Trong những ngày cả nước đang náo nức, rộn rã chuẩn bị đón mùa xuân mới, Xuân Ất Tỵ 2025 - Phật lịch 2569. Là một người con Phật, yêu dân tộc, yêu đạo pháp thiết tha từ những ngày ấu thơ và trưởng thành qua các đoàn thể thanh niên Phật giáo thuần túy, cho đến tận hôm nay; đóng góp cho thành quả chung qua khả năng chuyên môn, nhất định của mình.
Trong lòng người viết cũng rộn ràn với mùa xuân không kém, đặc biệt với khía cạnh lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam (PGVN), điều đó càng trở nên sâu đậm, nhiều ý nghĩa hơn.
Ngồi bên chén trà xuân ấm áp, lòng bồi hồi nhìn lại những ngày qua với nhiều, thật nhiều ký ức và kỷ niệm vui buồn khó tả. Qua cách gọi Can-Chi trong niên lịch, Ất Tỵ, khiến người viết nhớ lại những năm “cầm tinh con rắn” trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Ảnh sưu tầm
Riêng cá nhân tôi, cũng có những năm Tỵ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt thời gian dài theo tuổi trưởng thành. Trong đó có một năm Tỵ sẽ luôn được ghi nhớ mãi; đó là năm Kỷ Tỵ (1989). Đó là quãng thời gian có nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, kể cả mảng tân nhạc và cổ nhạc (cải lương).
Đó là khi tôi viết báo, sáng tác văn thơ nghệ thuật, cộng tác với các đài báo. Riêng mảng cổ nhạc cải lương (còn gọi là các bài ca lẻ) thì tôi có rất nhiều tác phẩm cộng tác thường xuyên với Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Mấy ngày vừa qua, trước thềm xuân mới, những bạn hữu chung quanh đã sưu tầm lại được bài cổ nhạc thu âm tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và phát trên làn sóng phát thanh đúng vào mùa xuân năm Kỷ Tỵ 1989, với sự thể hiện của nghệ sĩ Chậu Thanh và Minh Hoàng. Bài hát này cũng mới vừa được đưa lên Youtube để đến với mọi người yêu thích cổ nhạc, đặc biệt lịch sử dân tộc. Mời các bạn thử nghe qua để cùng chiêm nghiệm.
Đây có thể được xem là một cố gắng của người viết muốn đưa vào nội dung bài hát qua lăng kính lịch sử bằng bài thơ nổi tiếng của Mãn Giác Thiền sư ( 1005 – 1096) sống vào thời tiền nhà Lý (Lý Nhân Tông (1072 – 1128). Nội dung bài hát dẫn người nghe vào niềm tự hào với nền độc lập dân tộc của Triệu Việt Vương – Lý Bí (544 – 602), sau khi đánh thắng quân nhà Lương vào tháng 02-544, lên ngôi xưng Hoàng Đế và dõng dạc đặt tên nước hiệu là Vạn Xuân. Đóng đô ở Ô Diên Thành, Hà Mỗ (nay là Huyện Đan Phượng, Hà Nội). Chính cái tên hiệu đất nước Vạn Xuân ấy đã tạo nên những cảm xúc mạnh cho người viết mà chuyên chở trong đó là bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiến sư.
Tất cả những chi tiết hào hùng ấy tôi đã khéo đưa vào bài hát ca cổ với hình tượng người mẹ Việt Nam tần tảo thủy chung trong mọi thời đại. Một điều xin lưu ý nữa là giai đoạn những năm đầu đất nước tôi đang vào cuộc đổi mới, từng bước mở rộng nhiều khía cạnh trong xã hội mà mảng văn hóa nghệ thuật luôn có vị trí hàng đầu. Do đó đối với lĩnh vực văn nghệ Phật giáo chúng ta cũng còn nằm trong nhiều khó khăn, cũng đang được mở dần từng nút thắt.
Người con Phật với nhiều hoài bão cống hiến, đó là một trong nhiều cố gắng tôi đã thực hiện được vào giữa lúc ấy. Tuy nhiên, tâm sự thêm một chút là khi bài hát được duyệt để thu âm và phát trên sóng phát thanh, bài hát cũng phải chịu tuân thủ một vài quy định chung, trong đó có chấp nhận để biên tập viên có trách nhiệm sửa hay thêm một vài chi tiết.
Thí dụ đoạn ngâm hơi Nam đầu bài hát là nguyên bài thơ Cáo Tật Thị Chúng qua câu dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ mà hai câu cuối là “Đâu phải xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua mới nở một nhành mai”; thì ở hai câu cuối bài hát phải là “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, nhưng biên tập viên chỉnh sửa thành “Xuân về lòng những bang khuâng/Xuân xưa oanh liệt, xuân nay huy hoàng”. Nghe cũng rất hay, rất hợp lý nhưng với tấm lòng người viết dường như vẫn có một chút luyến tiếc cho dự tình của tôi dành cho đứa con tinh thần nhiều tâm huyết.
Những tác phẩm cổ nhạc của tôi viết và được phát trên làn sóng đài phát thanh khi ấy, có nhiệm vụ chính trị, chuyên chở những giá trị đích thực cho cộng đồng, nhưng ngòi bút cũng rất nhẹ nhàng, không quá câu nệ vào chữ nghĩa làm cho bài hát thêm thô cứng. Tưởng cũng cần thí dụ thêm một bài hát nữa để minh chứng cho những gì mình vừa nói, đó là bài Tân Cổ mang tên “Đất Nước” (thơ Tạ Hữu Yên- Nhạc Phạm Minh Tuấn: Lời vọng cổ: Dương Kinh Thành). Bài hát đã được thu âm lần đầu và được phát rộng rãi trên sóng phát thanh vào những năm đầu thập niên 90, và hiện nay cũng đang được cất lên trong một số sự kiện quan trọng của đất nước.
Tương tự, cũng vào dịp xuân về Tết đến, giữa thập niên 90 tôi cũng đã có bài hát mang tên “Đường biển mùa Xuân”, với nội dung chia sẻ tình yêu đất nước và tâm tình dành cho những người lính đảo thân yêu. Nghe qua, chúng ta sẽ thấy chất chính trị và cổ vũ cộng đồng, ngòi bút của tôi không quá câu nệ vào từng con chữ vốn đã thô cứng được nghe thường ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Xin mạn phép được chia sẻ với nhau bằng những bài hát, tác phẩm dù đã cũ theo thời gian nhưng giá trị cộng đồng, lịch sử thì vẫn chưa bao giờ bị lỗi nhịp.
Sài Gòn chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025
Tác giả: Dương Kinh Thành