Tết xa quê của lao động Việt Nam ở nước ngoài

Tết xa quê của lao động Việt Nam ở nước ngoài
4 giờ trướcBài gốc
Người lao động Việt Nam xa xứ cùng nhau đón Tết tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.
Hương vị Tết quê nhà là động lực để họ cố gắng vì một tương lai tốt đẹp, mong chờ một ngày được cùng gia đình đón Tết đoàn viên.
Đón Tết nơi “đất khách”
Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đóng góp tích cực vào phát triển của nước sở tại, mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Hiện các thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Tết đến, Xuân về là lúc mà những người lao động xa xứ mong mỏi, cố gắng thu xếp công việc để trở về với gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn Tết cùng những người thân, đặc biệt là những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Vì vậy, mỗi năm tới dịp Tết, nhiều người Việt Nam làm việc tại nước ngoài lại chung nỗi niềm bồi hồi nhớ quê hương, nhớ không khí Tết cổ truyền của dân tộc.
4 năm trước, chị Phạm Thị Hà Thu (32 tuổi, quê Lâm Đồng) quyết định đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với mong ước tích góp trả nợ cho gia đình và chăm lo cho các em có cuộc sống tốt hơn. Chị Hà Thu chọn nghề dệt và may mặc bởi có thế mạnh làm công việc này từ khi còn ở Việt Nam. Tại Hàn Quốc, công việc của chị được trả mức lương là 1.300.000 won/tháng (tương đương khoảng 27 triệu đồng).
“Thời còn ở Việt Nam tôi cũng làm công nhân may song tiền lương và tăng ca mỗi tháng chỉ đủ chi trả phí sinh hoạt cá nhân, không dư dôi ra được bao nhiêu để phụ giúp kinh tế cho gia đình trả nợ ngân hàng. Vì vậy tôi quyết tâm học tiếng để đi xuất khẩu lao động. Từ khi tôi đi làm và gửi tiền về, gia đình đã bớt khó khăn hơn”, chị Hà Thu chia sẻ.
Chị Hà Thu tâm sự, đây là năm thứ 3 liên tiếp chị đón Tết ở nơi xứ người. Người Hàn Quốc không đón Tết Nguyên đán như tại Việt Nam, nên những ngày này, người lao động xa xứ vẫn đi làm bình thường.
Dù vẫn có thể xin nghỉ để về quê với gia đình, song chi phí đi lại khá đắt đỏ, vé máy bay có xu hướng tăng nên chị Thu và các đồng nghiệp thường lựa chọn ăn Tết xa xứ. Cũng có những người lựa chọn dồn ngày phép để về sum họp dịp đặc biệt này song chỉ là thiểu số.
Dù không có điều kiện trở về quê hương song với tinh thần đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, những người lao động Việt Nam luôn cố gắng tạo ra không khí Tết sum họp ngay tại nơi đất khách. Chị Hà Thu cho biết, những ngày này, sau khi kết thúc ca làm, thay vì đăng ký tăng ca như mọi khi, những người lao động lựa chọn trở về nhà sớm hơn.
Hội đồng hương cùng nhau đi siêu thị chuẩn bị thực phẩm, cùng nhau làm và thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc Việt Nam như: Nem rán, bánh chưng, chả lụa một số loại bánh mứt... để đón Giao thừa. Ngoài ra, họ cũng tặng nhau những phong bao lì xì may mắn để chúc nhau một năm mới bình an và hạnh phúc.
Mong mỏi ngày đoàn viên
Ông Phạm Hải Dương (59 tuổi, quê Đắk Lắk), bố của chị Hà Thu cho biết, từ ngày con gái đi xuất khẩu lao động, gia đình đã đủ đầy hơn về mặt vật chất song nỗi nhớ và thương con chưa một ngày nào nguôi ngoai. Nỗi nhớ nhung ấy càng trở nên mãnh liệt mỗi dịp Tết đoàn viên nhưng chỉ được nghe thấy giọng và nhìn thấy con qua màn hình điện thoại.
“Những ngày này nghĩ một mình con ở xa nhà, lủi thủi một mình mà tôi ứa nước mắt. Đợt vừa rồi có người ở thôn sang Hàn Quốc, tôi cũng nhờ gửi cho cháu ít đồ để đỡ nhớ quê, nhớ nhà. Tôi ở xa nên cũng chỉ biết động viên con cố gắng giữ gìn sức khỏe, 3 năm đầu tiên khó khăn nhất cũng đã qua, nợ cũng đã trả bớt, cuộc sống ổn định hơn. Tôi nói với con rằng sang năm, con cố gắng tích ngày phép, mua vé máy bay sớm cho đỡ đắt, về quê ăn Tết với bố mẹ và các em”, ông Hải Dương chia sẻ.
Chị Hà Thu cho biết, thủ tục xin nghỉ để về nước phức tạp. Ngoài xin phép chủ doanh nghiệp, nghiệp đoàn quản lý lao động, người lao động còn phải báo cáo với công ty xuất khẩu lao động cử lao động sang Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, mọi chi phí người lao động đều phải tự chi trả, bởi đây là nhu cầu cá nhân.
“Sắp hết hạn visa nhưng tôi sẽ gia hạn để tiếp tục ở lại làm việc. Năm mới, tôi sẽ chăm chỉ tăng ca đều đặn hơn. Chỉ có như vậy, thu nhập hàng tháng mới tăng, sẽ có khoản tiền dư dả để gửi về cho các thành viên trong gia đình có một cái Tết ấm áp. Bản thân tôi cũng sẽ có tiền tích lũy để được về quê đón một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa”, nữ lao động tại Hàn Quốc chia sẻ.
Mong ước của chị Hà Thu, của ông Hải Dương cũng là nguyện vọng chính đáng của những người con xa quê và những gia đình có thành viên đi lao động ở nước ngoài. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau, nhưng mỗi khi Tết cổ truyền đến, trái tim họ lại không khỏi đau đáu hướng về gia đình, quê hương với niềm tin, hy vọng cuộc sống đủ đầy, ấm no trong năm mới.
Hà Trang
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tet-xa-que-cua-lao-dong-viet-nam-o-nuoc-ngoai-post716013.html