Phát biểu tại Chương trình, ông Quách Mạnh Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam cho hay, theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2024, Công ty có hai đợt thả cá giống xuống hồ Thác Bà với khoảng 1.000 tấn trong vùng lòng hồ Thác Bà.
Việc thả cá giúp bổ sung nguồn thủy sản cho hồ Thác Bà.
Chương trình không chỉ hướng đến việc phát triển kinh tế mà còn mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Yên Bái. Công ty sẽ đầu tư con giống, hỗ trợ người dân các ngư lưới và bao tiêu sản phẩm.
Qua khảo sát hồ Thác Bà có sản lượng 7.000 tấn cá, công ty dự kiến mỗi năm sẽ trích khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho nhân dân (500 - 600 hộ dân được hưởng lợi).
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, chương trình thả cá giống xuống hồ Thác Bà không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương với bảo vệ môi trường.
Các giống cá được thả có tác dụng làm sạch môi trường nước do nguồn thức ăn chính là động, thực vật phù du có sẵn trong tự nhiên.
Qua đó, từng bước bảo tồn, tái tạo và phát triển đa dạng nguồn thủy sản; tăng cường số lượng cá trong hồ góp phần phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường nước trên vùng hồ Thác Bà.
Khi nguồn cá tự nhiên dồi dào sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ có diện tích 23.400 ha; trong đó, diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Hồ Thác Bà còn có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp. Đây là tiềm năng để người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Văn Đức