Tha hương ngược núi

Tha hương ngược núi
17 giờ trướcBài gốc
Những đoàn người từ miền núi Quảng Ngãi ngược lên các tỉnh Tây Nguyên làm thời vụ.
Dù mùa mưa và cái lạnh buốt giá dai dẳng nhưng những cung đường từ các huyện Sơn Hà, Ba Tơ nhộn nhịp người và xe nối đuôi nhau đi ngược lên tỉnh Kon Tum. Những chiếc xe máy cũ cùng nhiều đôi vợ chồng, thanh niên bám sát vượt cung đường đèo Violak hơn 20km từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi sang huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Những ngọn núi vây quanh đỉnh đèo Violak cao và nguy hiểm. Dòng người và xe máy bám đuôi nhau giữa núi rừng Tây Nguyên.
Núi lên ngược núi
Xuất phát từ 5 giờ sáng từ xã Ba Xa, huyện Ba Tơ sau khi vượt qua cung đường nguy hiểm của đèo Violak, nhóm anh Phạm Văn Thê dừng chân nghỉ ven đường đoạn qua xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Mười một người các xã: Ba Xa, Ba Cung, Ba Ngạc hẹn nhau cùng hành trình trên chiếc xe máy lỉnh kỉnh xoong nồi, quần áo gói gém gọn phía sau xe.
Đoàn mình lên vườn cà-phê ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đầu mùa còn ít người đi. Mỗi đoàn trăm xe thôi chứ giữa mùa thì nhiều đoàn đông lắm. Chừng một tuần nữa là cả nghìn người đi. Năm nào cũng vậy.
Anh Phạm Văn Thê
“Mình đi quen rồi, quen cả chủ nên cà-phê chín lúc nào họ điện thoại mình lên lúc đó. Anh em làm cùng một xã. Hái cà-phê hết vườn này thì sang vườn khác, một ngày nhóm mình làm cũng được 4 tấn. Công hái 1.100 đồng mỗi ký, trừ tiền ăn, chi phí cũng dư ít”, anh Phạm Văn Sức, ở xã Ba Ngạc, tính toán.
Vượt qua cung đường đèo Violak, nhóm anh Thê dừng chân nghỉ ven đường.
Những ngày giữa tháng 11, các xã khu tây huyện Trà Bồng mưa dai dẳng khiến cái lạnh buốt hơn. Mỗi sáng, ở ngã ba xã Trà Lãnh lại xuất hiện vài chiếc xe khách 24 chỗ. Từng nhóm người ở các ngã đường thôn, xã lân cận hướng về ngã ba Trà Lãnh. Bước chân nhanh nhẹn, những thanh niên trẻ cùng ba lô nhỏ gọn vội vã lên xe. “Đăng ký đi 24 người mà giờ 28 người nhiều quá phải chờ sắp xếp”, anh lái xe cằn nhằn.
21 tuổi, Hồ Văn Thành ở xã Hương Trà, huyện Trà Bồng theo chân hai anh cùng làng đi thu hoạch cà-phê ở tỉnh Đắk Lắk. “Ở đây có cây quế nhưng thu nhập ít, không đủ nên em đi theo các anh làm cà-phê, trồng keo theo mùa. Có việc thì đi, không có thì ở nhà”, Thành kể.
Cuối tháng 10 bắt đầu mùa mưa lớn miền núi, mẹ con chị Phạm Thị Lãi và Phạm Văn Phối ở Kách Lang, xã Ba Dinh lại theo những chiếc ô-tô đi Kon Tum hái cà-phê. Nghỉ học từ lớp 10, Phối theo mẹ cả năm trồng keo, thuê, hái cà-phê từ tỉnh Quảng Nam lên tận huyện vùng sâu tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk. Trên những chuyến xe thuê cùng nhóm anh em 20-40 người cùng xã, mẹ con chị Lãi đi về liên tục. Chồng ở nhà lo vườn keo và trông con, người phụ nữ 36 tuổi gánh trên vai những nhọc nhằn ở miền núi cao xa lạ.
“Rẫy lớn chủ cần nhiều người, rẫy nhỏ thì cần ít người. Có đợt thì đi xe máy, nhưng chủ yếu đi ô-tô vì xa. Ở nhà không làm gì thì mình đi kiếm tiền về lo cho đứa nhỏ học”, chị Lãi chia sẻ.
Ở các ngã ba huyện miền núi Quảng Ngãi mấy tháng cuối năm nhộn nhịp nhiều chuyến xe ô-tô, xe máy người đi làm mùa vụ.
Những chuyến xe đưa lao động huyện Trà Bồng đi các tỉnh Tây Nguyên.
Vừa từ Tây Nguyên về nhà sau nửa tháng hái cà-phê, vợ chồng Phạm Văn Ia và Phạm Thị Yếu về thăm hai con nhỏ và gặt ít lúa trên rẫy. Nhà có một héc-ta keo mới trồng, vợ chồng trẻ ngược núi ở các tỉnh Tây Nguyên làm ăn hơn 5 năm qua khi con trai đầu mới 5 tuổi. Chuyện đi-về từ vùng núi này đến vùng núi khác trở thành nếp sống của đôi vợ chồng trẻ.
Yếu kể, ở đây làm ruộng, làm keo một vài ngày là hết việc. Cả thôn Màng Lùng 2 có nhiều cặp vợ chồng đi xa, chỉ có người già ở nhà giữ cháu. Mấy năm qua, cả ba chị em Yếu đều dắt díu nhau đi làm thời vụ ở các tỉnh lân cận. “Keo 5 năm mới khai thác, ít quá. Đi làm cà-phê em có tiền trang trải gia đình. Em không dám vay tiền vì chăn nuôi không biết có được không, do mình không biết kỹ thuật. Vay nhiều làm không được lại thêm nợ”, Yếu trải lòng.
Ở các ngã ba huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng mấy tháng cuối năm nhộn nhịp nhiều chuyến xe ô-tô cùng bước chân người. Ô-tô, xe máy đưa nhiều vợ chồng trẻ, thanh niên làng miền núi Quảng Ngãi ngược đường lên các tỉnh Tây Nguyên hái cà-phê, tiêu, chăm sóc hoa Tết… Sống ở núi này, nhưng người làng ở đây dựa thêm vào núi khác. Dòng người dài theo tháng năm đằng đẵng bao năm qua.
Nhiều năm trước, người dân ở huyện Ba Tơ, Sơn Hà đi các tỉnh miền trung, Tây Nguyên làm keo, hái cà-phê có thu nhập khá. Đến những năm gần đây, người dân các huyện Trà Bồng, Minh Long và Sơn Tây nối tiếp bước chân. Người đông, việc ít và giá nhân công cũng thấp dần. Có thâm niên nhiều năm đi các tỉnh miền trung và ngược lên Tây Nguyên hết mùa trồng keo thuê đến mùa hái cà-phê, tiêu, điều, Phạm Văn Thành và Phạm Văn Sơn thấy ngày càng nhiều người đi xa hơn.
“Trước đây giá ngày công 350 nghìn, nay chỉ còn 250 nghìn. Tiền công hái cà-phê một triệu một tấn mà còn không có việc. Anh em tranh nhau đi rất nhiều”, anh Phạm Văn Thành giải thích.
“Mình có điện thoại của chủ, khi cà-phê gần chín thì họ gọi mình lên. Nhiều người lên trước canh chứ sợ người khác lên giành rẫy, giành mối nhau. Mình quen hai chủ rẫy, mỗi mùa hái hai vườn được 25-30 tấn. Mong là chủ không tìm người khác”, anh Phạm Văn Sơn tiếp lời.
Thu hoạch cà-phê là công việc nặng nhọc. Làm cỏ, bẻ chồi cây cà-phê, kéo bạt quanh cây để hái trái và hàng chục tấn cà-phê tươi đưa vào bao, vác lên xe đưa về nhà chủ vườn… Trung bình mỗi ngày, đôi vợ chồng hái từ một đến 1,5 tấn. Trừ chi phí ăn, ở sinh hoạt sau mỗi chuyến đi từ 7 đến 10 ngày mang được từ 10 đến 14 triệu đồng về nhà.
Lao động các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi thu hoạch cà-phê tại tỉnh Kon Tum.
Người cũ, người mới ồ ạt lên các tỉnh Tây Nguyên hái cà-phê. Người đông, vườn, rẫy có hạn nên tình trạng người cùng thôn, cùng xã khó khăn tìm việc. “Mình điện thoại đặt chủ cũ, là mối quen biết trước. Thậm chí nhiều người không có mối làm quen vẫn lên sớm tìm việc, ngủ ngoài đường chờ việc”.
Người già giữ làng, trẻ em ở lại
Hơn năm năm qua, cứ giữa năm, người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi tìm việc làm thời vụ trồng keo ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Và ngược lên các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đắc Nông, Lâm Đồng hái cà-phê, tiêu, điều, trồng hoa… những tháng cuối năm. Vòng quay giáp năm, người lao động đi xa để lại ở làng người già, trẻ con chăm sóc, trông nom nhau.
Mưa núi vừa nặng hạt vừa dai dẳng, đường về các làng ở xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà khó hơn. Vừa rửa ít rau xanh, bà Đinh Thị Phô rướn người ra đường ngóng cháu. Sống ở thôn Tà Mát, xã Sơn Hải từ thời trẻ đến giờ bà cảm nhận nỗi hiu quạnh tuổi già. Mấy tháng qua, vợ chồng bốn người con của bà đều đi Kon Tum hái cà-phê để lại bà cụ hơn 60 tuổi trông nom, chăm sóc 6 đứa cháu đang tuổi đi học. “Mấy đứa nhỏ học lớp 3 đến lớp 9. Ngày nào cũng nấu cơm, lo cho cháu thay ba mẹ nó đi làm xa. Con đi mươi ngày về thăm tụi nhỏ, mua ít đồ sinh hoạt rồi có việc lại đi. Mấy năm nay trông cháu cho cha mẹ nó, mình không lo thì ai lo”, bà Phô cố kìm tiếng khóc.
60 tuổi bà Phô trông nom, lo cho 6 đứa cháu đang tuổi đi học.
Thôn Màng Lùng, Tà Mát, Làng Lành ở xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà nhiều nơi vắng bóng người lớn. Trưởng thôn Làng Lành Đinh Văn Trui chia sẻ, cả thôn có 350 hộ, đến mùa vụ khoảng 40% người trong thôn lại hành trang đi Tây Nguyên, các tỉnh miền trung làm ăn. “Thời gian rảnh nông vụ ở địa phương thì bà con đi xa làm thêm có thu nhập. Hầu như người trong độ tuổi lao động đều đi, về liên tục”, anh Trui cho biết.
Học lớp 6, bé Đ.T.K thôn Tà Mát, xã Sơn Hải vừa học, vừa tự lo việc nhà thay cha mẹ. Hai tháng qua, bố mẹ của K lên Kon Tum làm thuê, anh trai làm thuê trong xã, việc nhà cơm nước đè lên vai cô bé 12 tuổi. “Trước đây ba mẹ con làm thợ hồ và mới làm căn nhà cấp 4 này. Giờ không có việc làm nữa nên đi làm cà-phê ở xa. Con ở nhà tự học, tự lo và nấu cơm hai anh em ăn”, K nói.
37 tuổi, Phạm Thị Thia ở làng Mang Rét, thôn Kách Lang, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ có cháu ngoại hai tuổi. Ba năm qua, Thia thường đi làm keo ở Bình Định, Phú Yên. Làng Mang Rét, thôn Kách Lang có 17 hộ đi làm ăn xa, chỉ còn người già ở nhà trông coi trẻ con. “Cứ qua Tết đi đến tháng 9 ở nhà chăm con đi học, làm thuê ở địa phương. Tới mùa cà-phê có tiền hơn nên nghỉ keo, hết mùa cà-phê lại quay sang làm keo. Hái bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Người già còn khỏe vẫn đi theo con cháu làm thuê các tỉnh Tây Nguyên”, Thia giải thích,
Xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ có 7 thôn với 1.500 hộ, trong đó 371 hộ nghèo. Ở đây, một số người trẻ đi làm ở khu công nghiệp trong tỉnh, còn lại 90% dân sống nhờ cây keo, mì và chăn nuôi. Đến mùa vụ, người dân lặn lội đi các tỉnh miền trung, Tây Nguyên làm thuê.
“Toàn xã khoảng 60% lao động đi làm các tỉnh lân cận, chủ yếu là vợ chồng trẻ, thanh niên. Họ đi còn để con nhỏ cho ông bà già chăm sóc. Một cặp vợ chồng đi một tháng thường thu nhập 20 triệu trở lên. Nếu đi xuyên suốt thì nhiều hơn”, Phó Chủ tịch xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, Phạm Văn Tiến cho biết.
Xã Trà Phong, huyện Trà Bồng 1.150 hộ với 4787 khẩu, trong đó có 437 hộ nghèo. Mấy năm qua, trồng keo không có nhiều thu nhập, tiền vận chuyển, khai thác vừa đủ chi phí, người dân lỗ công chăm sóc, vì vậy người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. “Tiền vận chuyển xuống đồng bằng đắt quá, trồng quế thì 10 năm mới khai thác thu hoạch. Người dân làm ở khu công nghiệp, đi hái cà-phê tới mùa về làm ruộng rồi lại đi hết”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Phong chia sẻ.
Nhiều căn nhà vắng bóng người lớn.
Đi làm xa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống là nhu cầu cần thiết của người dân. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người làm ăn xa, làm thời vụ khiến địa phương khó triển khai các chương trình, chính sách cho vùng miền núi. Đồng thời, nỗi lo “khoảng trống” việc gia đình, học hành và dạy dỗ chăm sóc trẻ em, người già ở vùng núi ngày càng lớn dần.
“Họ đi làm ăn xa bỏ bê con cái, bỏ việc học hành, quản lý dân không làm được. Xã tổ chức đại đoàn kết nhưng dân đi hết không ai dự. Xã phải tranh thủ khi chưa đến mùa lo gặp dân, họp các hoạt động bình chọn tuyên truyền, triển khai việc xã chứ đến mùa họ đi rồi không triển khai được. Nhiều cuộc họp chưa đến 50% người dân trong thôn, xã đi dự”, một lãnh đạo xã miền núi Trà Bồng lo lắng.
“Trà Bồng nổi tiếng cây quế và diện tích cũng lớn nhưng người dân vẫn đi làm vụ mùa. Các mô hình sắn, quế, cấp con giống cũng có nhưng việc nhân rộng khó khăn nên người dân vẫn đi. Xuất khẩu quế hiện nay cũng tiểu ngạch chứ chưa chính ngạch nên doanh thu không cao”, một cán bộ huyện Trà Bồng tâm tư.
Chưa thể giữ chân người dân ở nhà, nhiều địa phương vận động người dân sắp xếp phù hợp và có trách nhiệm với người thân, con trẻ. “Chúng tôi vận động chỉ cho một người đi làm xa, còn người ở lại chăm sóc con cái, đưa đón đi học. Phải có người ở nhà chứ đi hết thì lo lắm”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh An, huyện Minh Long Đinh Văn Xí chia sẻ kinh nghiệm.
Sau nhiều năm tha hương, ông Phạm Văn Vút dừng chân vì sức khỏe.
Hơn 50 tuổi, ông Phạm Văn Vút, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, có thâm niên hơn mười năm làm cà-phê ở tỉnh Lâm Đồng và làm keo ở các tỉnh lân cận. Không còn sức đi làm thuê nơi xa, ông Vút ở nhà và hai người con tiếp nối hành trình ngược núi tha hương. “Giờ không đi nữa. Già rồi thì làm ruộng, làm keo gần nhà chứ sức khỏe không bảo đảm. Đi xa tốn tiền xe về giữa chừng, ốm bệnh tốn tiền hơn. Làm mười năm không dư gì, giờ không đủ ăn”, ông Vút thở dài.
Làm ăn theo vụ mùa khiến “khoảng trống” việc gia đình, chăm sóc trẻ em, người già ở vùng núi ngày càng lớn dần.
ĐÔNG HUYỀN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tha-huong-nguoc-nui-post852708.html