Vị trí trung tâm của thác Đăk Sing. Ảnh: Xuân Hiền
Thắc Đăk Sing cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 60km về hướng Bắc. Du khách di chuyển theo quốc lộ 40B đến UBND xã Văn Lem, rồi tiếp tục men theo đường bê tông nhỏ khoảng 3km là đến bãi đỗ xe. Từ đây du khách bắt đầu đi bộ vào rừng. Càng vào sâu, cảnh vật càng hoang sơ, tiếng cây rừng, tiếng chim hót hòa cùng tiếng suối róc rách. Sau khoảng gần 30 phút đi bộ, xuống hơn 200 bậc thang xuyên qua rừng tre nứa mát rượi là đến chân thác. Và rồi, thác Đăk Sing bất ngờ hiện lên như một khung cảnh thần tiên giữa núi rừng. Từ độ cao khoảng 100 mét, nước đổ xuống các tầng đá chồng lớp, tạo thành dòng trắng xóa giữa nền xanh bạt ngàn. Những vạt sương mờ quanh chân thác phản chiếu ánh mặt trời thành dải cầu vồng tuyệt đẹp. Không khí ở đây mát lạnh, trong lành làm tan biến mọi mệt nhọc của hành trình đến thác.
Khác với nhiều thác nước thường có dòng chảy thẳng đứng, Đăk Sing đổ theo nhiều tầng, nước len lỏi qua từng bậc đá rêu phong. Dưới chân thác là hồ nước nhỏ trong vắt, đủ để nhìn thấy đá cuội lấp lánh dưới đáy. Những tảng đá lớn nằm ngổn ngang như được bàn tay tạo hóa xếp đặt. Cây cối xung quanh phủ xanh mướt, từ thân cây rừng đến bụi dương xỉ bé nhỏ, tất cả hòa vào nhau trong một bản giao hưởng của núi rừng.
Thác Đăk Sing còn là nơi lưu giữ những ký ức văn hóa dân gian của cư dân bản địa, đặc biệt là đồng bào Xơ Đăng. Tại đây, nhiều câu chuyện huyền thoại đã được truyền lại qua nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể tách rời của địa danh này. Một trong những truyền thuyết được người dân xã Văn Lem kể lại là câu chuyện về hang đá bí ẩn gần thác Đăk Sing.
Phần cuối chân thác Đăk Sing. Ảnh: Xuân Hiền
Theo người trong làng truyền tai nhau, ở giữa thác Đăk Sing có một hang động thông với đỉnh đồi Cỏ Cháy - đồi cao nhất ở xã Văn Lem. Ngày xưa mỗi lần xảy ra động đất hoặc nước dâng, muông thú trong rừng sẽ chui vào hang, lần theo con đường này để lên đồi lánh nạn. Thậm chí, có người trong làng từng bắt gặp tảng đá gần cửa hang có hằn vết chân trâu.
Dù không có công trình nghiên cứu khoa học hay thông tin chính thức nào xác thực về sự tồn tại của hang động này, nhưng truyền thuyết vẫn tiếp tục được kể lại như một phần linh hồn của vùng đất, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của đồng bào Xơ Đăng nơi đây.
Một yếu tố khác khiến thác Đăk Sing trở nên độc đáo là tính hoang sơ của nó. Ở đây, không có dịch vụ du lịch, không có tiếng nói ồn ào hay tiếng loa điện tử chát chúa. Ở đây chỉ có tiếng của núi rừng, tiếng của gió, tiếng của thác đổ và tiếng chim rừng bên bờ suối vắng. Đăk Sing như một nàng công chúa ngủ quên trong rừng chưa bị đánh thức bởi ánh đèn đô thị. Điều này đặt ra cho chính quyền địa phương một thách thức: Phát triển du lịch nhưng phải giữ được “linh hồn” của thác, đó là sự nguyên sơ, yên bình và tự nhiên tuyệt đối.
Thực tế huyện Đăk Tô đã đưa thác Đăk Sing vào danh sách tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trong các đề án quy hoạch, chính quyền nhấn mạnh định hướng “không xâm hại cảnh quan”, “không bê tông hóa” mà thay vào đó là “du lịch nhẹ”, tập trung vào trải nghiệm thiên nhiên, kết hợp với tìm hiểu văn hóa Xơ Đăng bản địa.
Bên cạnh giá trị du lịch và sinh thái, thác Đăk Sing còn có tiềm năng lớn về giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Với hệ sinh thái rừng nguyên sinh bao quanh, khu vực này là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm, động thực vật đặc hữu.
Đường bê tông đến đầu thác Đăk Sing. Ảnh: Xuân Hiền
Đăk Sing, dòng thác chảy qua đá, qua rừng, qua lịch sử và qua cả tâm thức của đồng bào Xơ Đăng bản địa. Để giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên và vùng đệm sinh thái xung quanh thác cần có sự đồng lòng giữa chính quyền, cộng đồng cư dân địa phương và du khách. Mọi hành động dù là nhỏ nhất cũng có thể tác động đến hệ sinh thái mỏng manh nơi đây. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nạn phá rừng đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay. Thác Đăk Sing là một lời nhắc nhở về giá trị của thiên nhiên nguyên thủy, điều mà một khi đã mất đi thì vĩnh viễn không thể lấy lại được bằng bất kỳ giá nào.
Ngô Xuân Hiền