Thách thức biên lãi ròng xuống thấp

Thách thức biên lãi ròng xuống thấp
16 giờ trướcBài gốc
NIM của Techcombank trong 12 tháng qua ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành
Thách thức duy trì ổn định NIM
Chi phí vốn tăng nhanh hơn lợi suất tài sản sinh lời khiến NIM có xu hướng giảm, việc duy trì ổn định hệ số này ngày càng trở nên thách thức.
Cụ thể, trong quý đầu năm 2025, lãi suất huy động bình quân tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,4% so với quý liền trước. Điều này khiến các ngân hàng quy mô lớn chịu áp lực lớn hơn so với nhóm ngân hàng nhỏ, vốn có khả năng điều chỉnh cấu trúc huy động linh hoạt hơn.
Theo dữ liệu từ Wichart, tính đến cuối quý I/2025, NIM bình quân của các ngân hàng niêm yết giảm liên tục trong hai năm qua, xuống còn hơn 3%, mức thấp nhất kể từ quý IV/2020. Trong đó, NIM của 15/27 ngân hàng suy giảm so với quý liền trước.
Tuy nhiên, NIM ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn như HDBank, VPBank ghi nhận NIM trên 5%, thậm chí tiệm cận 6%. Ngược lại, một số nhà băng quy mô nhỏ có NIM dưới 2%.
Giới phân tích đánh giá, trong bối cảnh Chính phủ tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025 và những năm tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của tín dụng, ngành ngân hàng có thể đang bước sang giai đoạn NIM mỏng hơn, phản ánh sự thu hẹp của phần bù rủi ro và nguồn cung được đẩy mạnh.
Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 16%. Với tỷ lệ cơ cấu vốn đầu tư hiện nay, vốn tín dụng trong năm 2025 dự kiến sẽ gia tăng hơn 2,5 triệu tỷ đồng.
Biên lãi ròng bình quân ngành ngân hàng năm 2025 được SSI Research dự báo sẽ ổn định ở mức 3,48%, trong đó khối quốc doanh là 2,77%, khối cổ phần là 4,24%.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 19/5, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,49 triệu tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2024 và tăng 18,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 1 tháng qua, các ngân hàng cho vay khoảng 260.000 tỷ đồng, nâng lượng vốn đưa ra thị trường từ đầu năm đến nay lên 873.000 tỷ đồng.
Dư địa cho vay từ nay đến cuối năm 2025 là 1,627 triệu tỷ đồng. Để thực hiện hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay cần được duy trì, thậm chí giảm thêm. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến NIM tiếp tục co hẹp, bởi lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp vì áp lực thanh khoản và tỷ giá, qua đó tác động lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong quý đầu năm nay, NIM ngành ngân hàng chạm đáy hơn 4 năm và quá nửa số nhà băng ghi nhận hệ số này bị thu hẹp. Đây được xem là tín hiệu đáng lo ngại, không chỉ phản ánh triển vọng lợi nhuận các ngân hàng kém hơn trước, mà còn về cấu trúc tài sản, nguồn vốn và hành vi tiêu dùng tín dụng có sự thay đổi đáng kể.
Trong lĩnh vực ngân hàng, NIM là chỉ số then chốt phản ánh hiệu quả kinh doanh cốt lõi và khả năng tạo dòng tiền từ hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, NIM còn là nền tảng củng cố khả năng chia cổ tức đều đặn và duy trì sức hấp dẫn của cổ phiếu “vua” trên thị trường vốn.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MB, NIM giảm là xu hướng chung toàn ngành ngân hàng, do các nhà băng giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025.
Đây còn là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng, cạnh tranh hệ thống và tăng trưởng tín dụng chưa phục hồi, sau giai đoạn năm 2024 và đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã có những đợt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế và thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại buộc phải điều chỉnh lãi suất cho vay xuống để duy trì cạnh tranh, trong khi chi phí vốn đầu vào (lãi suất huy động) giảm chậm hơn do áp lực giữ chân người gửi tiền. Lãi suất chênh lệch giữa cho vay và huy động thu hẹp kéo theo NIM suy giảm. Mặt khác, tín dụng quý I/2025 tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, do doanh nghiệp vẫn thận trọng, người dân giảm vay tiêu dùng giữa bối cảnh thu nhập chưa phục hồi mạnh và tâm lý phòng thủ vẫn còn. Hệ số sử dụng vốn (LDR) thấp khiến tài sản sinh lãi chưa được khai thác tối ưu. Đồng thời, NIM giảm vì tài sản sinh lợi giảm trong khi chi phí vốn là cố định và cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch sang các phân khúc an toàn hơn, lãi suất thấp hơn.
Ngân hàng tìm giải pháp “bù đắp”
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến NIM suy giảm là lãi suất huy động đi ngang, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo, NIM sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu lợi nhuận, các ngân hàng đang nỗ lực cắt giảm chi phí. Cùng với việc chi phí hoạt động giảm nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ và cắt giảm nhân sự, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, các ngân hàng có thể tạo ra dư địa lợi nhuận mà không nhất thiết phải gia tăng NIM. Với mục tiêu bơm thêm 2,5 triệu tỷ đồng ra thị trường, nếu vẫn giữ vững được tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, thì tín dụng có thể đạt mức tăng 16%. Theo đó, các ngân hàng sẽ thực hiện được mục tiêu lợi nhuận, nhờ gia tăng nguồn thu ngoài lãi.
Thực tế, những năm gần đây, trong bối cảnh lợi nhuận từ tín dụng chịu áp lực, các ngân hàng nỗ lực đề ra giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận, tránh phụ thuộc quá lớn vào tín dụng. Mặc dù vậy, tính đến nay, phần lớn tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng vẫn đến từ mảng hoạt động truyền thống này.
Theo ông Huân, các ngân hàng cần tích cực đa dạng hóa nguồn thu, đẩy mạnh doanh thu từ các hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, khuyến khích người dân và doanh nghiệp gửi tiền không kỳ hạn (CASA) nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo lợi thế cho ngân hàng sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Tiềm năng cải thiện NIM sẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, chất lượng tài sản tốt, tệp khách hàng có khả năng trả nợ cao.
SSI Research dự báo, NIM ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối có vốn nhà nước chi phối - 2,77% (tăng 0,05%) và khối cổ phần - 4,24% (giảm 0,07%). Lợi nhuận trước thuế toàn ngành có khả năng tăng trưởng 17,4%.
Nhiều ý kiến khác nhận định, trong bối cảnh NIM khó cải thiện và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 16%, lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng 10 - 20%, trong đó ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng khoảng 12%, nhóm ngân hàng tư nhân năng động tăng 15 - 20%.
Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết, áp lực cạnh tranh trong ngành ngân hàng đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt. Cùng với đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, làm biên lãi ròng thu hẹp. Dù vậy, NIM của Techcombank trong 12 tháng qua vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.
SSI Research nhận định, thời gian tới, sẽ có 2 yếu tố lớn ảnh hưởng tới xu hướng NIM của các ngân hàng. Nếu căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, phân khúc FDI - vốn đem lại thế mạnh cho nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, với nguồn CASA và vốn huy động bằng USD dồi dào, dự kiến sẽ gặp áp lực. NIM thời gian tới được dự báo sẽ khó cải thiện, vì về cuối năm, nhu cầu vốn càng cao. Để có vốn đẩy ra nền kinh tế, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất huy động, đồng thời giữ nguyên lãi suất cho vay, khiến NIM giảm. Vì thế, các nhà băng phải nỗ lực giảm chi phí vận hành, đẩy mạnh số hóa và thu hút CASA.
Trần Nguyên / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thach-thuc-bien-lai-rong-xuong-thap-post372505.html