Thách thức cũng là cơ hội

Thách thức cũng là cơ hội
20 giờ trướcBài gốc
Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, các bộ, ngành và địa phương đã phải rà soát tới 19.224 văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đây là một con số khổng lồ, phản ánh mức độ phức tạp của quá trình cải cách và những thách thức mà Chính phủ, các bộ, ngành đang phải đối mặt.
Định hướng cải cách hiện nay mở ra dư địa phát triển mới, song cũng đặt ra nhiều vấn đề phát sinh trong công tác điều hành. Chẳng hạn, then chốt trong việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh - xã) là phân định được thẩm quyền. Khi bỏ cấp huyện, thẩm quyền của cấp này sẽ chuyển lên tỉnh hoặc xuống cấp xã như thế nào? Khi các địa phương thiết lập bộ máy cấp tỉnh và cấp xã mới, họ cần nắm rõ thẩm quyền trước đây của cấp huyện sẽ do cấp nào đảm nhận, tỉnh sẽ có những thẩm quyền gì, xã có những thẩm quyền gì, và Trung ương sẽ phân cấp những gì cho cấp tỉnh? Những câu hỏi này cần được thảo luận; làm rõ - trước khi "thể chế hóa" bằng cách đưa vào quy định pháp luật mới.
Có thể nói, rà soát và xác định phương án xử lý các vấn đề đang nằm trong 19.000 văn bản pháp luật là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Thời gian dành cho nhiệm vụ này cũng hết sức gấp rút. Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, các văn bản trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây phải được hoàn thành và trình Chính phủ trước ngày 6.4. Vì thế, công việc này đòi hỏi nỗ lực cao nhất của từng bộ, ngành, địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị này; cũng như sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã lập tổ công tác về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật; xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào vận hành thử nghiệm. Bộ Tài chính, sau khi rà soát, phát hiện cần sửa đổi 195 văn bản quy phạm pháp luật; lãnh đạo Bộ cho biết các đơn vị thuộc Bộ đang làm việc ngày đêm, kể cả cuối tuần. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng khẳng định, “chỉ có thể bàn làm, không thể bàn lùi”.
Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương triển khai công việc trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nhằm bảo đảm thành công của kỳ họp “có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử; số lượng công việc rất lớn".
Những văn bản rà soát, sửa đổi lần này không chỉ là quy định “kỹ thuật” mà còn là công cụ vận hành của bộ máy nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ phải bảo đảm tính hợp lý, tính liên kết và không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng không chỉ làm việc với tiến độ nhanh, mà còn phải có tư duy hệ thống, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền.
Nhiệm vụ lần này không chỉ đơn thuần là sửa đổi một số quy định pháp luật, mà còn là cơ hội để cải cách thể chế một cách toàn diện. Nếu thực hiện tốt, nước ta sẽ có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, thống nhất, hiện đại, phù hợp với mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn, mà còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự minh bạch, hiệu quả của chính sách công.
Cẩm Phô
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thach-thuc-cung-la-co-hoi-post409166.html