Thách thức ngoại giao đối với châu Âu sau khi Tổng thống Trump chính thức nắm quyền

Thách thức ngoại giao đối với châu Âu sau khi Tổng thống Trump chính thức nắm quyền
3 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc duy trì mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Theo nhận định của Nigel Gould-Davies, chuyên gia cao cấp về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), châu Âu cần có chiến lược ngoại giao mới để thuyết phục Mỹ duy trì cam kết với an ninh châu lục, đặc biệt trong vấn đề Ukraine.
Thách thức mới trong quan hệ Mỹ-châu Âu
Tổng thống Trump muốn một nước Mỹ an toàn và thịnh vượng. Đây cũng là những lợi ích cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào. Về điểm này, ông Trump không khác gì bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đây, hay thậm chí là bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu hiện tại nào. Điểm khác biệt là cách ông theo đuổi những lợi ích này.
Tổng thống Trump không quan tâm nhiều đến các giá trị, thiên về việc cắt giảm cam kết ở nước ngoài và chủ nghĩa bảo hộ đối với thương mại tự do. Ông có xu hướng ưa thích các thỏa thuận song phương thay vì làm việc thông qua các tổ chức quốc tế.
Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu không thể tiếp tục dựa vào những giá trị chung, như thể chế và luật pháp vốn là nền tảng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong 80 năm qua. Do đó, thách thức của châu Âu là làm mới lại lập luận vì lợi ích riêng của Mỹ về một cam kết lâu dài đối với châu lục này.
Các hướng tiếp cận chiến lược
Do đó, theo chuyên gia Nigel Gould-Davies, để thuyết phục Mỹ duy trì cam kết, châu Âu cần tập trung vào các hướng tiếp cận chính:
Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích kinh tế song phương: Châu Âu phải giải thích rằng an ninh của họ là lợi ích kinh tế hấp dẫn của Mỹ. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Đây cũng là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư của Mỹ. Và cùng với Nhật Bản, châu Âu thống trị đầu tư vào Mỹ, tạo ra việc làm cho người lao động Mỹ.
Mặc dù ông Trump có thể gây sức ép buộc châu Âu giảm thặng dư thương mại, nhưng điều này không nên làm lu mờ mức độ hưởng lợi của Mỹ từ mối quan hệ kinh tế sôi động. Một châu Âu bất ổn do cuộc xung đột ở Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của Mỹ.
Thứ hai, tăng cường chi tiêu quốc phòng: Châu Âu cần đáp ứng yêu cầu của Mỹ về chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Hiện GDP của châu Âu chỉ thấp hơn một chút so với Mỹ, nhưng chi tiêu quốc phòng mới chỉ bằng một nửa. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu và mua sắm vũ khí hiệu quả hơn.
Thứ ba, điều chỉnh chính sách với Trung Quốc: Nếu Nga là vấn đề của cả Mỹ và châu Âu, thì Trung Quốc cũng là vấn đề của cả châu Âu và Mỹ. Châu Âu cần tích hợp các yếu tố kinh tế và an ninh vào chính sách đối với Trung Quốc. NATO đã xác định Trung Quốc là "bên tạo điều kiện quyết định" cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Việc này không chỉ quan trọng với an ninh châu Âu mà còn xoa dịu mối quan ngại của Mỹ.
Theo ông Nigel Gould-Davies, để củng cố quan hệ đồng minh, châu Âu có thể đề xuất một số chính sách sáng tạo: Một là, phối hợp tịch thu 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng để mua vũ khí của Mỹ cho Ukraine. Hai là, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và công nghệ, tận dụng kinh nghiệm chiến trường của Ukraine. Ba là, tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu mỏ từ Mỹ thay vì Nga.
Chuyên gia Nigel Gould-Davies kết luận, mặc dù những thay đổi này có thể khiến châu Âu không thoải mái khi quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở nên thực dụng hơn, nhưng đây là cách tiếp cận cần thiết để bảo vệ lợi ích chung trong bối cảnh mới. Nhiệm vụ cấp bách của châu Âu là thuyết phục chính quyền Trump rằng một mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích lâu dài của cả hai bên.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo iiss.org)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-ngoai-giao-doi-voi-chau-au-sau-khi-tong-thong-trump-chinh-thuc-nam-quyen-20250122160118172.htm