Thách thức quyền lực phương Tây từ Nam bán cầu

Thách thức quyền lực phương Tây từ Nam bán cầu
10 giờ trướcBài gốc
Một trong những tín hiệu đáng chú ý nhất trong ngày khai mạc là đề xuất cải cách sâu rộng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), được các Bộ trưởng Tài chính BRICS công bố với lập trường thống nhất, đánh dấu bước đi cụ thể nhằm tái định hình trật tự tài chính toàn cầu.
Theo tuyên bố chung, BRICS kêu gọi điều chỉnh công thức phân bổ hạn ngạch và quyền biểu quyết trong IMF, nhằm phản ánh đúng vai trò ngày càng lớn của các nền kinh tế đang phát triển trong cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Đề xuất nhấn mạnh việc xem xét lại tiêu chí đánh giá như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sức mua tương đương (PPP) và giá trị tiền tệ quốc gia. Điều này sẽ tác động đáng kể đến tỷ lệ biểu quyết hiện tại, vốn vẫn nghiêng mạnh về phía các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.
Một điểm đột phá khác là kiến nghị chấm dứt "truyền thống bất thành văn" - theo đó người châu Âu luôn nắm ghế Tổng Giám đốc IMF, còn người Mỹ giữ vị trí đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB). BRICS cho rằng đã đến lúc phải dân chủ hóa quy trình bổ nhiệm lãnh đạo hai định chế tài chính hàng đầu thế giới này, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các khu vực.
Trong bối cảnh nhóm BRICS đã mở rộng từ 5 lên 11 thành viên - bao gồm thêm các quốc gia như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - tiếng nói tập thể của họ ngày càng có trọng lượng. Việc đạt được đồng thuận về một vấn đề gai góc như cải tổ IMF cho thấy BRICS không còn chỉ là một nhóm hợp tác lỏng lẻo mà đang dần trở thành một đối trọng thực sự với G7.
Không chỉ dừng lại ở tuyên bố chính trị, các Bộ trưởng Tài chính BRICS còn khẳng định đang xúc tiến xây dựng một cơ chế bảo lãnh tài chính mới do Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) hỗ trợ. Mục tiêu là giảm chi phí vay vốn và tăng tính ổn định cho các dự án đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển - vốn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn rẻ do xếp hạng tín nhiệm thấp và rủi ro cao.
Giới quan sát nhận định, BRICS đang từng bước cụ thể hóa tham vọng thiết lập một trật tự tài chính "đa cực" hơn, công bằng hơn, nơi các quốc gia phương Nam có tiếng nói lớn hơn trong những quyết định toàn cầu. Tuy nhiên, để biến những đề xuất này thành hiện thực tại IMF, nơi các quyết định quan trọng đòi hỏi sự đồng thuận rộng rãi, vẫn sẽ là chặng đường dài và đầy thách thức.
Trong khi đó, việc BRICS lựa chọn đưa ra tuyên bố cải cách IMF ngay ngày đầu tiên của hội nghị cũng được xem là thông điệp chiến lược gửi tới cộng đồng quốc tế: thời kỳ thống trị tuyệt đối của phương Tây trong các định chế tài chính toàn cầu đang bị đặt trước dấu hỏi nghiêm túc.
Như Thảo
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thach-thuc-quyen-luc-phuong-tay-tu-nam-ban-cau-i773938/