Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto phát biểu tại Jakarta. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 18/1, ông Dadan Hindayana, người đứng đầu Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia Indonesia cho biết: “Tổng thống (Prabowo Subianto) đã chỉ thị cho chúng tôi đẩy nhanh chương trình. Nếu tổng thống muốn đẩy nhanh chương trình từ tháng 9 - 12, chúng tôi cần thêm 100 nghìn tỷ rupiah tiền tài trợ”.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đang cân nhắc các biện pháp để mở rộng để tiếp cận chính sách trên tới gần 83 triệu trong số 280 triệu dân của Indonesia vào cuối năm 2025, sớm hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là năm 2029. Indonesia đã có kế hoạch dành 71 nghìn tỷ rupiah trong ngân sách năm 2025 để chi cho chương trình bữa trưa, dự kiến sẽ sớm bao phủ tới 17 triệu người.
Chi phí dự kiến sẽ tăng lên đến 30 tỷ USD một năm khi chương trình được triển khai mở rộng triển khai. Trước đó, trong các cuộc vận động tranh cử, ông Prabowo ước tính chương trình bữa ăn sẽ tiêu tốn 450 nghìn tỷ rupiah (27,51 tỷ USD) khi được triển khai đầy đủ.
Ông Hindayana không nói rõ liệu Tổng thống Indonesia Prabowo có chấp thuận khoản tài trợ bổ sung hay không, nhưng chi phí này có thể là phép thử đối với khả năng thực hiện những cam kết của ông Prabowo mà không gây ảnh hưởng đên tình hình tài chính đất nước. Ngân sách năm 2025 của chính phủ hiện ước tính thâm hụt là 2,53% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dưới mức giới hạn cho phép là 3% GDP.
"Tại sao tổng thống lại lo lắng? Bởi vì nhiều trẻ em không được ăn. Ông ấy đang nghĩ đến việc đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2025 và 82,9 triệu người sẽ được hưởng lợi", ông Dadan nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Prabowo. Ông Dadan cho biết nếu cơ quan của mình nhận được 100 nghìn tỷ rupiah vào tháng 9, thì việc mở rộng như vậy là có thể.
Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tito Karnavian cho biết khoảng 5 nghìn tỷ rupiah trong số này có thể được tài trợ bởi chính quyền thành phố hoặc tỉnh có tình hình tài chính tốt.
“Tổng thống đặt ra tầm nhìn và chính sách. Chúng tôi chỉ đơn giản là thực hiện nó,” ông Hindayana nói.
Chương trình này đã được bắt đầu triển khai từ đầu năm nay. Chương trình ban đầu chỉ dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh đi học như một phần trong nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhưng sau đó được mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú cũng như trẻ mới biết đi.
Theo Bộ Y tế Indonesia, có khoảng 6,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này bị còi xương. Để phòng ngừa suy dinh dưỡng, trẻ cần được cho ăn các bữa ăn bổ dưỡng trong ít nhất 1.000 ngày từ giai đoạn bào thai cho đến khi khoảng 2 tuổi.
Chương trình trên là kết quả của việc từng bước hiện thực hóa cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Prabowo nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe của người dân cũng như và nền giáo dục đất nước. Ngoài ra, chương trình cũng được xem là sẽ là cơ hội đầy tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tuy vậy, sự thành công của chương trình sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý chi phí, đảm bảo thực hiện hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia Indonesia đã thành lập các cơ sở đơn vị dịch vụ tại nhiều vùng khác nhau trên cả nước, mỗi bếp ăn dự kiến phục vụ khoảng 3.000 người. Ước tính, chương trình này cũng sẽ tạo ra khoảng 1,5 triệu việc làm trong nước và mang lại lợi ích cho khoảng 82,9 triệu người trong 2 năm đầu hoạt động.
Trong thời gian tới, để tăng lượng thịt và sữa, Indonesia có kế hoạch nới lỏng các quy định về nhập khẩu gia súc. Chính phủ cho biết hơn 150 công ty đã cam kết nhập khẩu tổng cộng 2 triệu con gia súc trong 4 năm tới.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters, Bloomberg)