Năng lực xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Lâm Đồng sau sáp nhập rất dồi dào, nhưng để giảm bớt ảnh hưởng do rào cản về thuế quan nên chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và tăng tiêu dùng nội địa
Theo ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), trật tự thế giới không còn nằm trong tay một quốc gia hay một nhóm quốc gia gọi là siêu cường nữa… nên nhiều dự báo nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại không phải chỉ Hoa Kỳ và Trung Quốc mà là toàn cầu, khi Hoa Kỳ áp thuế 10% cho tất cả các nước và thuế đối ứng với lý do gây thâm hụt thương mại. Năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa khoảng 2.700 tỉ USD và xuất khẩu 1700 tỉ USD, tức là nhập siêu hàng hóa 1.000 tỉ USD. Trong khi Hoa Kỳ lại không tính họ xuất siêu dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ sang các nước khác. Thủ tướng Singapore trong bài phát biểu trước quốc hội đã nói đây là điều bất công, không công bằng khi Singapore đang nhập siêu từ Hoa Kỳ…
Thêm vào đó, thế giới chuyển sang thời kỳ bất ổn khó lường, khi mà xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết; xung đột Trung Đông giữa Israel và Iran, Yemen, Palestine tiếp diễn; kinh tế thế giới suy giảm; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công nghệ AI, tạo năng suất lao động cao nhưng nguy cơ mất việc làm lớn… (theo Elon Musk, trong 2 thập kỷ tới sẽ có 300 triệu người mất việc làm, nhưng sẽ tạo ra 350 triệu việc làm mới phải qua đào tạo đáp ứng công nghệ mới) là thử thách không nhỏ…
Qua nhiều thập kỷ thịnh vượng, Hoa Kỳ bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn, với nợ công tăng và vai trò thống trị của đồng USD giảm… Ngày 4/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ ký sắc lệnh thuế quan đối xứng với trên 70 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam bị hai loại thuế quan, là 10% thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ đối với tất cả các mặt hàng; 46% thuế đối ứng với lý do Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Hoa Kỳ trên 100 tỉ USD và đang tạm hoãn áp dụng 90 ngày chờ đàm phán.
Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu là 985 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2023. Trong đó, cà phê 226 triệu USD; may mặc 28,18 triệu USD; alumina & hydroxit 288,3 triệu USD; rau, củ, quả 31 triệu USD; hoa tươi 2,1 triệu USD; chè 0,2 triệu USD; tơ tằm 0,1 triệu USD. 2 mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị tác động mạnh nhất là may mặc và cà phê (100% hàng may mặc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cà phê một phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn đa số xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác).
Theo chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, thì Lâm Đồng có thêm Đắk Nông và Bình Thuận, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1.045 triệu USD (Đắk Nông, gồm chủ yếu là 2 mặt hàng alumina và cà phê; riêng cà phê chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu với 292 triệu USD); và 791 triệu USD (Bình Thuận, xuất khẩu thủy sản 225 triệu USD, còn lại là đồ gỗ, may mặc, thanh long...).
Như vậy, 4 mặt hàng của tỉnh Lâm Đồng mới sẽ bị tác động trực tiếp của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ là: cà phê, may mặc, đồ gỗ và hải sản. Đặc biệt, sản lượng cà phê của Lâm Đồng và Đắk Nông đạt 946 ngàn tấn trên tổng sản lượng cả nước 1.956 ngàn tấn; năm 2024 cả nước xuất khẩu 1,4 triệu tấn cà phê, trong đó 77 ngàn tấn xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuế suất 0%, từ 9/4/2025 phải chịu thuế tới 10%. Hiện nay, Việt Nam đang phải chờ kết quả đàm phán xem chính thức mức thuế đối ứng là bao nhiêu…
Ông Lương Văn Tự cũng gợi ý các giải pháp cho các doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng và cho các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói chung: Đối với cà phê và thủy sản, nếu không được giảm xuống mức thuế doanh nghiệp xuất khẩu còn có lời hoặc hòa vốn thì Việt Nam nên chuyển thị trường sang khối Đông Âu (liên minh kinh tế Á - Âu), khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, UAE, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Ả Rập Xê Út) và tìm thị trường mới Algeria, Úc, New Zealand, các nước Asean… Đối với may mặc và đồ gỗ, tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 32% để được công nhận là sản phẩm Việt Nam. Việt Nam cần đổi mới công nghệ và nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ quản lý, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh; kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giảm thuế thuê đất và thuế doanh nghiệp để vượt qua khó khăn; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho lao động bị mất việc làm…
LÊ HOA