Thách thức từ biến động tỷ giá với xuất nhập khẩu

Thách thức từ biến động tỷ giá với xuất nhập khẩu
4 giờ trướcBài gốc
Tỷ giá tiếp tục biến động
Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, khi nhiều quốc gia đã dần hồi phục sau đại dịch COVID-19 và đảm bảo đà phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam - một quốc gia với thế mạnh xuất khẩu - đối diện nhiều cơ hội và thách thức trên con đường duy trì tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá tiền tệ, một trong những nhân tố có tác động lớn, đang là mối quan tâm hàng đầu.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2025 sẽ là năm biến động mạnh về tỷ giá do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố: Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và biến động của đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Trong năm 2025, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất do lo ngại về lạm phát liên tục tăng cao và các thay đổi chính sách tiềm ẩn khác.
Dự báo trong năm 2025, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục duy trì vị thế vững vàng, gây áp lực lên các đồng tiền tại các thị trường mới nổi. “Dự báo trong năm 2025, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng” - vị chuyên gia dự báo.
Dự báo trong năm 2025, tỷ giá USD/VND tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Ảnh: Duy Minh
Vị chuyên gia cũng dẫn chứng từ các ngân hàng quốc tế như: Ngân hàng UOB cũng dự báo tỷ giá sẽ đạt 25.800 VND/USD trong quý I, tăng lên 26.000 VND/USD trong quý II, đạt đỉnh 26.200 VND/USD trong quý III và giảm nhẹ về mức 26.000 VND/USD trong quý IV/2025.
Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2025 nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn như FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
“Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn có thể ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD, từ đó tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Việc FED cắt giảm lãi suất có thể làm suy yếu đồng USD trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chính sách thương mại của chính quyền Mỹ, đặc biệt nếu có xu hướng bảo hộ, có thể làm tăng giá trị đồng USD, tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD” - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định.
Với những diễn biến được dự đoán như vậy, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, kiểm soát tăng trưởng tín dụng và ổn định tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Cơ hội và thách thức cho xuất nhập khẩu
Theo vị chuyên gia, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lợi thế về cạnh tranh khi VND giảm nhẹ so với USD, hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn vì hàng hóa rẻ hơn khiến sản phẩm Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn tại các thị trường quốc tế. “Các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn về giá so với các quốc gia có tỷ giá ít biến động hoặc đồng tiền mạnh lên. Điều này ảnh hưởng tích cực đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử” - ông Long khẳng định.
Bên cạnh đó, việc giảm tỷ giá mang lại ưu thế lớn khi xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và EU. Bởi giá cả hàng hóa Việt Nam tính theo USD thấp hơn, người tiêu dùng và doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn. “Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh chính như: Trung Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ có tỷ giá không thuận lợi” - ông nói.
Hơn hết, tỷ giá ổn định tạo niềm tin cho nhà đầu tư, hấp dẫn dòng vốn dài hạn. Bởi các nhà đầu tư thường ưu tiên những quốc gia có chính sách tỷ giá ổn định vì họ không chỉ xem xét chi phí sản xuất mà còn tính đến các biến động tiềm ẩn trong lợi nhuận do sự mất giá của đồng nội tệ. “Chính sách duy trì tỷ giá VND/USD ổn định trong nhiều năm qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư sản xuất trong ngành dệt may, điện tử, và chế biến thực phẩm” - PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh; đồng thời ông khẳng định thêm, tỷ giá ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành xuất khẩu, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu thông qua nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Để đạt được điều này, chính sách kinh tế vĩ mô cần đồng bộ, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và minh bạch.
Cũng theo vị chuyên gia, tỷ giá tác động đến khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện Việt Nam đã ký kết nhiều FTA như: CPTPP, EVFTA, RCEP... Những hiệp định này giúp giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. “Khi tỷ giá ổn định, các doanh nghiệp dễ bề linh hoạt trong việc đánh giá chi phí, tạo niềm tin cho đối tác nước ngoài; tỷ giá ổn định thể hiện sự ổn định kinh tế, giúp xây dựng uy tín và lòng tin đối với các đối tác nhập khẩu. Các ưu đãi thuế quan từ FTA phát huy tối đa giá trị khi kết hợp với sự ổn định của tỷ giá, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia khác” - ông cho hay.
Đặc biệt, tỷ giá ổn định hoặc giảm nhẹ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối ưu các FTA, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, mặc dù tỷ giá ổn định hoặc giảm nhẹ mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn có những thách thức như nguy cơ mất lợi thế giá. Nếu các nước đối thủ cạnh tranh. Ví dụ: Thái Lan, Indonesia chủ động phá giá đồng tiền, hàng hóa Việt Nam có thể mất lợi thế. Chi phí nhập khẩu tăng một số nguyên liệu đầu vào nhập khẩu bằng ngoại tệ, khi tỷ giá không phù hợp hoặc biến động ngược chiều, có thể làm tăng chi phí sản xuất.
Cùng đó, xuất nhập khẩu Việt Nam còn chịu nhiều thách thức từ biến động tỷ giá như: Tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Tỷ giá tăng có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi phần lớn nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu. Tăng chi phí nguyên liệu đầu vào khi USD tăng giá, giá trị của VND giảm, làm cho chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia sử dụng USD hoặc gắn giá trị vào USD như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lên. Các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ chịu áp lực lớn đến khả năng cạnh tranh, chi phí sản xuất cao hơn doanh nghiệp xuất khẩu cần giữ giá bán cạnh tranh để thu hút khách hàng quốc tế. “Doanh nghiệp xuất khẩu thường phải ký hợp đồng dài hạn với giá cố định, khó điều chỉnh giá để bù đắp chi phí nguyên liệu tăng. Và khi tăng giá bán để bảo toàn lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ mất khách hàng vào tay các đối thủ khác” - vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu của Việt Nam còn phải đối mặc với rủi ro lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation). Bởi khi chi phí nhập khẩu tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sẽ góp phần vào lạm phát chi phí đẩy. Điều này không chỉ làm giảm sức mua mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng và thị trường nội địa. Tỷ giá tăng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là về chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ dựa vào ưu thế tỷ giá mà cần dựa vào các yếu tố khác như năng suất, chất lượng sản phẩm và chi phí. Để duy trì và gia tăng lợi thế cạnh tranh hiệu quả sản xuất là yếu tố then chốt; đồng thời cần áp dụng các chiến lược thích hợp và tận dụng cơ hội từ các FTA có thể giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng khả năng cạnh tranh dài hạn.
“Chiến lược đối phó các thách thức nâng cao năng suất lao động cần tăng cường đào tạo nhân lực, chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cao. Giảm phụ thuộc nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất trong nước để đối phó với biến động nguyên liệu nhập khẩu. Khai thác tối đa lợi thế FTA các doanh nghiệp cần tận dụng mọi trường thuế quan thuận lợi để gia tăng khả năng cạnh tranh” - vị chuyên gia khuyến nghị.
PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng xuất khẩu trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh. Dù đối mặt với không ít thách thức như tăng chi phí nhập khẩu, rủi ro lạm phát và cạnh tranh khu vực, Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội lớn nhờ vào lợi thế giá cạnh tranh, dòng vốn FDI ổn định và các FTA. Để tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu rủi ro, việc kết hợp các chiến lược linh hoạt như nâng cao năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và khai thác triệt để các lợi ích từ FTA sẽ là chìa khóa thành công. Trong dài hạn, khả năng thích nghi và đổi mới của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ quyết định vai trò của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thach-thuc-tu-bien-dong-ty-gia-voi-xuat-nhap-khau-372209.html