Thách thức và cơ hội của ngành dầu khí Syria sau biến động chính trị

Thách thức và cơ hội của ngành dầu khí Syria sau biến động chính trị
8 giờ trướcBài gốc
Người dân tại thủ đô Damascus, Syria ngày 10/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The National (UAE) ngày 17/12, trong bối cảnh chính trị đang thay đổi chóng mặt, ngành dầu khí Syria đứng trước những thách thức và cơ hội quan trọng sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Năm 2010, dầu mỏ từng là nguồn sống của nền kinh tế Syria, chiếm 1/5 GDP, một nửa kim ngạch xuất khẩu và hơn một nửa doanh thu nhà nước. Nội chiến đã tàn phá ngành này, nhưng việc phục hồi là chìa khóa thành công của chính quyền Syria mới.
Trước cuộc nội chiến (nổ ra năm 2011), Syria sản xuất khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày, với mức đỉnh 600.000 thùng/ngày vào năm 2002. Sau đó, sản lượng giảm mạnh do giao tranh, với sản lượng hiện tại chỉ còn từ 40.000 đến 80.000 thùng/ngày.
Các mỏ dầu tập trung chủ yếu ở hai khu vực chính: vùng Đông Bắc do người Kurd kiểm soát gần Hasakah; vùng dọc sông Euphrates đến biên giới Iraq, quanh Deir Ezzor.
Các mỏ dầu ở phía Đông Bắc, chủ yếu cung cấp dầu thô nặng, có hàm lượng lưu huỳnh cao, được khai thác bởi Công ty Dầu khí Syria (SPC) thuộc sở hữu nhà nước, ngoại trừ một khu vực do Công ty Dầu khí Gulfsands có trụ sở tại Anh nắm giữ.
Công ty Shell và TotalEnergies sản xuất dầu nhẹ, chất lượng tốt hơn ở khu vực Deir Ezzor. Các mỏ này từng do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát, thu được tới 2 triệu USD mỗi ngày, trước khi Mỹ ném bom dữ dội vào năm 2015.
Syria thời chính quyền Assad đã phải nhập khẩu gần 80% nhu cầu dầu. Hai nhà máy lọc dầu chính của Syria ở Baniyas và Homs đã bị hư hại trầm trọng do không được đầu tư nhiều năm. Từ năm 2014, hầu hết lượng dầu nhập khẩu đến từ Iran, với lượng từ 50.000 đến 80.000 thùng mỗi ngày. Ngay sau khi chính quyền Assad sụp đổ, một tàu chở dầu đang trên đường đến Syria đã quay trở lại.
Chính quyền Syria tiếp theo đã đã ngay lập tức chỉ thị cho SPC tiếp tục hoạt động. Nhưng để nhập thêm nhiên liệu, cần hai thứ: tiền và lệnh trừng phạt quốc tế bị đình chỉ. Những nước ủng hộ như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng cung cấp tiền hoặc ít nhất là nhiên liệu với mức thanh toán được giảm giá hoặc trả chậm.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Caesar do Mỹ áp đặt vào năm 2020 đặc biệt hạn chế. Đạo luật này hết hạn vào ngày 20/12 và có vẻ như sẽ được gia hạn, nhưng giờ đây có thể phải xem xét lại.
Tuy nhiên, việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ là một quá trình pháp lý phức tạp mất nhiều năm, như trường hợp của Iraq và Libya đã chứng minh. Ngoài ra, Mỹ sẽ thận trọng vì vai trò của Hayat Tahrir Al Sham trong Al Qaeda trước đây. Nhưng việc miễn trừ ít nhất sẽ giúp chính quyền Syria mới cải thiện kinh tế và tình hình nhân đạo ngay lập tức.
Bộ trưởng kinh tế mới được bổ nhiệm, Basil Abdul Aziz từ Aleppo, có lẽ sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho lĩnh vực này tạm thời. Ông Aziz có bằng về kỹ thuật năng lượng và ủng hộ cách tiếp cận thị trường tự do và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với đó, việc khôi phục sản xuất khí đốt sẽ cải thiện nguồn cung cấp điện, bước đầu tiên để đưa nền kinh tế Syria trở lại bình thường. Việc khôi phục sản lượng dầu và các nhà máy lọc dầu sẽ đáp ứng nhu cầu nhiên liệu địa phương và một số nguồn thu của chính phủ. Nhưng, giống như ở Iraq, điều đó sẽ đòi hỏi một số cuộc đàm phán khó khăn với chính quyền tự trị người Kurd. Lực lượng người Kurd đã rút khỏi Deir Ezzor, vì vậy ít nhất khu vực quan trọng này có thể trở lại dưới sự kiểm soát của Damascus.
Về mặt kỹ thuật, có rất nhiều tiềm năng để sửa chữa các trung tâm hiện có và tăng sản lượng, đặc biệt là từ phía Đông Bắc. Việc thăm dò bằng công nghệ hiện đại có thể xác định được các mỏ nhỏ hơn và sâu hơn. Vùng ngoài khơi Syria có vẻ hứa hẹn về dầu mỏ, trái ngược với khí đốt được tìm thấy xa hơn về phía Nam, hướng về phía Israel và Síp.
Nhưng ai sẽ thực hiện việc đại tu này? Ba nhà khai thác quốc tế lớn nhất, Shell (Anh), TotalEnergies (Pháp) và Suncor (Canada), đã ngừng hoạt động kể từ năm 2011. Họ có thể không muốn quay lại với tình trạng bế tắc chính trị, an ninh và môi trường, chỉ để sản xuất một lượng sản phẩm khá khiêm tốn.
Ngược lại, công ty Gulfsands của Anh rất muốn quay trở lại, điều này dễ hiểu vì Syria có tài sản quan trọng duy nhất của công ty, được nắm giữ chung với Sinochem của Trung Quốc.
Syria cũng có triển vọng trở thành một quốc gia trung chuyển dầu khí quan trọng, với các tuyến đường ống nối Iraq, Jordan và các nước lân cận. Mục tiêu cuối cùng là sử dụng dầu khí vì lợi ích của toàn thể người dân Syria, không phải để phục vụ một nhóm cầm quyền. Việc thanh toán trực tiếp thu nhập từ dầu mỏ cho người dân được coi là giải pháp ngăn chặn tham nhũng.
Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch này đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế, an ninh ổn định và một chính phủ thống nhất. Do đó, những tuần tới sẽ là giai đoạn then chốt quyết định tương lai của ngành dầu khí Syria.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo thenationalnews.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/thach-thuc-va-co-hoi-cua-nganh-dau-khi-syria-sau-bien-dong-chinh-tri-20241218105844502.htm