Thách thức với Nguyễn Filip nếu đến Nhật Bản

Thách thức với Nguyễn Filip nếu đến Nhật Bản
4 giờ trướcBài gốc
Trước Tuấn Hải là Nguyễn Filip
Khi thông tin Tuấn Hải có thể sang Nhật Bản thi đấu được lan truyền rộng rãi, làng bóng đá Việt Nam lập tức sục sôi bàn luận. Dư luận không chỉ dừng lại ở Tuấn Hải, mà còn nhanh chóng nhắc đến một cái tên khác từng úp mở ý định sang J-League: Nguyễn Filip – thủ môn số một của CLB CAHN và là một trong những cái tên đẳng cấp mà bóng đá Việt Nam đang có.
Thủ môn Nguyễn Filip đã nói về mong ước đến Nhật Bản thi đấu. Ảnh: CLB CAHN
Vào giữa tháng 12/2024, trong một cuộc trò chuyện với báo chí CH Czech (tờ iDNEs), Nguyễn Filip từng bày tỏ mong muốn: “Tôi muốn thử sức ở một giải đấu tốt hơn tại châu Á, như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Mục tiêu của tôi là thi đấu tại giải vô địch châu Á và trở về CH Czech khi kết thúc sự nghiệp”. Đó là một phát ngôn đầy cảm hứng, nhưng cũng đủ để thấy rõ anh nói về ước mơ, chứ không phải một kế hoạch được lên lộ trình bài bản.
Nguyễn Filip còn hợp đồng với CLB CAHN đến hết mùa giải 2026, và vẫn đang giữ vị trí số một trong khung gỗ đội bóng. Thế nhưng, viễn cảnh sang Nhật Bản thi đấu, dù chỉ là giả định, cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Nguyễn Filip liệu có đủ sức chinh phục một nền bóng đá vốn nổi tiếng khắc nghiệt, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cực cao như J-League?
Lịch sử và những bài học chưa cũ
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng đưa nhiều cầu thủ sang Nhật Bản, nhưng số người thành công lại rất hiếm hoi. Công Vinh, Tuấn Anh, Công Phượng rồi đến Đặng Văn Lâm. Tất cả đều đã thử sức, nhưng chỉ để lại những dấu ấn lặng lẽ, hoặc thậm chí không kịp để lại điều gì. Trái ngược với họ là hình ảnh các ngôi sao Thái Lan như Chanathip, Theerathon hay Supachok rực sáng giữa sân chơi khốc liệt bậc nhất châu Á.
Thủ môn Đặng Văn Lâm từng thất bại ở Nhật Bản.
Ngay cả Văn Lâm, một thủ môn có đẳng cấp đã được khẳng định và từng là biểu tượng niềm tin nơi khung thành tuyển Việt Nam cũng phải lặng lẽ rời J-League sau hai năm ít cơ hội ra sân tại Cerezo Osaka. Trong mùa đầu tiên, anh chỉ được đăng ký dự bị đúng 8 lần, và sang năm thứ hai con số ấy còn tụt xuống chỉ còn… 3. Văn Lâm rời Nhật không phải vì chuyên môn đi xuống, mà bởi môi trường ấy yêu cầu một thứ tiêu chuẩn quá khắt khe mà đôi khi, không chỉ tài năng là đủ.
Nguyễn Filip có gì khác biệt?
So với Văn Lâm, Nguyễn Filip có những điểm mạnh không thể phủ nhận: Anh từng chơi bóng tại châu Âu, có 8 năm kinh nghiệm thi đấu ở giải chuyên nghiệp Czech, thậm chí từng ra sân tại Europa League. Đó là thứ vốn liếng mà không có cầu thủ Việt Nam nào sở hữu. Về mặt lý thuyết, nếu một đội bóng J-League muốn một thủ môn ngoại dày dạn và ổn định, Nguyễn Filip là một lựa chọn không tồi.
Nhưng trái lại, vấn đề lớn nhất lại nằm ở tuổi tác. Khi sang tuổi 34, độ tuổi mà nhiều cầu thủ bắt đầu nghĩ đến việc ổn định sự nghiệp, Nguyễn Filip bước vào một môi trường mới, nơi áp lực thi đấu và yêu cầu chiến thuật đều ở mức cao hơn hẳn V.League. J-League không phải là nơi để làm quen hay thích nghi từ từ. Đó là một giải đấu đòi hỏi sự sẵn sàng tuyệt đối, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thủ môn Nguyễn Filip có kinh nghiệm thi đấu ở châu Âu. Ảnh: Em Ngọc
Thủ môn có thể kéo dài sự nghiệp hơn so với cầu thủ ở các vị trí khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi khung thành đều sẵn sàng mở cửa đón họ ở tuổi ngoài 30. Nhất là khi cầu thủ ngoại ở J-League luôn phải cạnh tranh khốc liệt với cả nội binh lẫn những ngoại binh hàng đầu đến từ Brazil, hoặc châu Âu.
Dù còn là giả định, câu chuyện Nguyễn Filip có ước mơ sang Nhật Bản vẫn có ý nghĩa nhất định. Đó không đơn thuần là giấc mơ xa xôi, mà phản ánh tâm thế của một cầu thủ Việt Nam luôn khao khát thi đấu ở đỉnh cao cho đến ngày cuối cùng của sự nghiệp. Nó cũng cho thấy sự chuyển mình của thế hệ cầu thủ Việt Nam, khi họ không còn chỉ nhìn vào giải quốc nội như điểm dừng, mà dám nghĩ, dám hướng tới những thử thách xa hơn.
Hoài Anh
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/sao-sport/thach-thuc-voi-nguyen-filip-khi-den-nhat-ban-202504241439184179.html