Đặc phái viên của Điện Kremlin Kirill Dmitriev đã có mặt tại Washington trong tuần qua để đối thoại với các quan chức Nhà Trắng và cung cấp cho họ "sự hiểu biết thực sự về lập trường của Nga "nhằm tạo "cơ hội cho sự tương tác mang tính xây dựng" giữa hai bên.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters
Cách đây một tháng, điều này được coi là tín hiệu đáng khích lệ cho thấy lời hứa của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp được thực hiện. Tuy vậy, sau khi các cuộc điện đàm song phương, bản dự thảo thỏa thuận hòa bình sơ bộ và các cuộc họp trung gian tại Saudi Arabia đều dẫn đến kết quả không mấy lạc quan do việc Nga khăng khăng giữ vững các điều kiện cơ bản để thực thi lệnh ngừng bắn, chuyến thăm của ông Dmitriev thực tế không được đặt nhiều kỳ vọng.
Trên thực tế, các mục tiêu ngắn hạn của Nga đã hoàn toàn tách biệt khỏi phạm vi hòa bình ở Ukraine. Những cuộc đàm phán ban đầu nhằm chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến đã được thay thế bằng các đề xuất sơ bộ nhằm hạn chế hành động tấn công.
Nga đã yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây trước khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn hoàn toàn diễn ra. Hiện giờ, Điện Kremlin được cho là đang cố gắng kéo dài thời gian trong khi tìm cách bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Ông John Hardie, Phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, cho rằng: "Tổng thống Putin vẫn giữ nguyên các mục tiêu tối đa và mục tiêu lâu dài của ông mà ông không bao giờ từ bỏ là khiến Ukraine trở thành một quốc gia trung lập và tái cấu trúc trật tự an ninh ở châu Âu. Ông ấy vẫn theo đuổi các mục tiêu đó bất chấp những cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột”.
“Nhà lãnh đạo Nga có lẽ tin rằng thời gian đang đứng về phía ông. Trên thực tế, tình hình quân sự đang có chiều hướng có lợi cho ông ấy và ông Putin cũng đang kéo dài các cuộc đàm phán vì cho rằng Nga có thể tiếp tục thúc đẩy lợi thế trên chiến trường, chiếm thêm lãnh thổ cũng như giành được nhiều đòn bẩy hơn tại bàn đàm phán", nhà phân tích John Hardie nhận xét thêm.
Mục tiêu khác biệt của Nga và Mỹ
Các bài phát biểu khác biệt từ Washington và Moscow cho thấy chính quyền Tổng thống Trump khó có khả năng kiểm soát tiến trình đàm phán hòa bình. Vào ngày 19/3, các quan chức Nhà Trắng cho biết, hòa bình ở Ukraine "chưa bao giờ gần đến thế" khi họ chuẩn bị cho cuộc họp với các đăc phái viên Nga tại Saudi Arabia. Cuộc họp đó đã sớm thiết lập lệnh ngừng bắn có giới hạn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và phác thảo thỏa thuận ngừng bắn trên Biển Đen. Chỉ hơn một tuần sau, khi phát biểu tại Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế ở Murmansk, Tổng thống Putin nêu rõ "Nga có lý do để tin rằng chúng ta sẽ đánh bại được Ukraine".
Sự khác biệt này đã khiến ông Trump tức giận. Tổng thống Trump cảnh báo rằng nếu đó là "lỗi của Nga" khiến ông "không thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine", ông sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu xuất khẩu của quốc gia này. Ngay ngày hôm sau, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc chấm dứt giao tranh sẽ là một "quá trình mất nhiều thời gian".
Theo giới phân tích, chuyến thăm Mỹ của ông Kirill Dmitriev nhiều khả năng là để gặp gỡ và tiếp xúc nhiều hơn với các quan chức Mỹ, hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Liana Fix, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại về Châu Âu cho rằng mục đích của Nga rất đơn giản: Nga đang chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột kéo dài Nước này có thể cho rằng, họ có thể tiếp tục đàm phán hòa bình với Mỹ và thúc đẩy chương trình nghị sự song phương, cố gắng bình thường hóa quan hệ, yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt, cứu trợ... mà không cần ngừng bắn hoàn toàn". Theo chuyên gia này, lệnh ngừng bắn hoàn toàn có thể không mang lại lợi ích cho Moscow vì hiện tại họ đang ở thế mạnh hơn so với Ukraine".
Tổng thống Ukraine Zelensky từ lâu cảnh báo ông Trump và các quan chức Mỹ rằng ông Putin đang "tìm kiếm lý do để kéo dài cuộc chiến”.
"Trong nhiều tuần qua, Mỹ đã đưa ra đề xuất về lệnh ngừng bắn vô điều kiện. Đáp lại đề xuất này, Nga đã sử dụng máy bay không người lái, bom, pháo binh và các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo", ông Zelensky cho biết.
Nhà phân tích Liana Fix cho rằng: "Mục tiêu của cả hai bên hoàn toàn khác nhau. Chính quyền Tổng thống Trump muốn ngừng bắn, họ không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Họ chỉ muốn cuộc chiến dừng lại trong một khoảng thời gian nhất định để nói rằng “Chúng tôi đã kết thúc xung đột. Theo nghĩa đen, họ muốn các bên hạ vũ khí”.
“Trong khi đó, Nga chưa sẵn sàng đàm phán ngừng bắn. Họ muốn hạn chế phạm vi tiếp cận của Mỹ và NATO ở châu Âu. Họ muốn đẩy lùi mối đe dọa từ NATO trong những thập kỷ qua, muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập. Mục tiêu của Moscow rộng lớn hơn nhiều”.
Thách thức với ông Trump khi tung con át chủ bài “nắn gân” Nga
Rất khó có khả năng ông Dmitriev sẽ trở về với một đề xuất thỏa thuận hòa bình mà Nga chưa sẵn sàng. Câu hỏi đặt ra là là bao lâu nữa thì ông Trump mất kiên nhẫn và khi nào mối đe dọa áp đặt "các lệnh trừng phạt thứ cấp" với Nga trở thành hiện thực.
"Hiện, Nhà Trắng không có nhiều kiên nhẫn và việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoàn toàn là mục tiêu chính trong chính sách của ông Donald Trump", bà Liana Fix nhấn mạnh.
Nhưng ngay cả khi Mỹ tung con át chủ bài cuối với Nga, một số nhà phân tích cho rằng việc áp dụng lệnh trừng phạt và đòn áp chế về kinh tế sẽ không phải là một giải pháp đơn giản.
"Tôi không nghĩ lệnh trừng phạt hay bất kỳ công cụ kinh tế nào có thể giải quyết được tất cả. Dù vậy, ngay cả khi điều đó không buộc ông Putin phải nhượng bộ, thì ít nhất cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga”.
Nga không nằm trong danh sách 180 nền kinh tế bị áp thuế trả đũa mà ông Trump công bố hôm 4/4 tại Nhà Trắng. Đó là vì "các lệnh trừng phạt từ cuộc xung đột Ukraine đã khiến thương mại giữa hai nước trở thành con số không", một quan chức Nhà Trắng nói với báo chí.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Washington Examiner