Thách thức xuất khẩu gia tăng, đã đến lúc 'kích hoạt' thị trường nội địa 100 triệu dân

Thách thức xuất khẩu gia tăng, đã đến lúc 'kích hoạt' thị trường nội địa 100 triệu dân
17 giờ trướcBài gốc
"Khai mở" sức bật từ thị trường 100 triệu dân
Trước những biến động khó lường từ thị trường thế giới, đặc biệt là chính sách thuế mới từ Mỹ nhắm vào hàng nhập khẩu (trong đó Việt Nam có thể chịu mức thuế lên đến 46% với một số mặt hàng), việc chủ động tìm kiếm giải pháp bền vững cho doanh nghiệp Việt trở nên cấp thiết. Dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn (chiếm 20,5% tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm), sự phụ thuộc này tiềm ẩn rủi ro khi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ có lợi thế thuế quan.
Trong bối cảnh đó, việc "quay về sân nhà", khai thác tiềm năng từ thị trường 100 triệu dân không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là hướng đi chiến lược. Tuy nhiên, để thị trường nội địa thực sự trở thành bệ đỡ vững chắc, cần những cú hích mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ cụ thể.
Tại hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/4 mới đây, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thị trường trong nước cho biết, trước các động thái về chính sách thuế quan của Mỹ, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp phải "quay về thị trường nội địa", hiểu theo nghĩa là bán các lô hàng không xuất khẩu được. Ông cho rằng cách tiếp cận này là sai lệch.
“Ở đây, chúng ta cần tiếp cận theo hướng: khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế bởi rào cản thương mại, thì phải tìm cách kích cầu để tạo ra nhu cầu mới ngay tại thị trường trong nước, có thể bằng những sản phẩm mới phù hợp hơn. Đây là việc doanh nghiệp chủ động tận dụng, chuyển đổi năng lực sản xuất để phục vụ thị trường nội địa”, ông Chinh chia sẻ.
Đồng thời, ông Chinh cũng dẫn số liệu từ Cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 190 tỷ USD, một thị trường rất tiềm năng.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về hơn 21 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Báo Chính phủ.
Trong bối cảnh còn nhiều biến động thuế quan từ thị trường Mỹ, các chuyên gia cho rằng đa dạng hóa sẽ là cách để tránh "bỏ trứng vào một giỏ", quá phụ thuộc vào một thị trường. Hiện nay, Chính phủ đã mở đường với 17 Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế. Thị trường rộng lớn cho phép cho các doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa và tìm kiếm nơi “cần” mình nhất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy bất định, nhiều người cho rằng “quay về thị trường trong nước là an toàn hơn”. Nhưng thực tế cho thấy việc phát triển thị trường nội địa cũng không phải câu chuyện dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh chia sẻ: “Đối với thị trường trong nước, không ít quan điểm cho rằng: Thế giới khó quá thì ta về sân nhà 100 triệu người dùng. Không có quan điểm là đúng hay sai ở đây song một thị trường của chúng ta cũng vẫn mới chỉ ở quy mô tầm trung, và cần được sự kích hoạt. Nếu muốn doanh nghiệp quay về, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp vừa phát triển sân nhà, vừa mở rộng sân khách, thì càng cần các chính sách hỗ trợ kích thích các doanh nghiệp sản xuất nội địa không thua gì với doanh nghiệp xuất khẩu”.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh. Ảnh: NVCC.
"Các chính sách hỗ trợ phải thiết thực để doanh nghiệp có thể tiếp cận"
Trong nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, vẫn có những mặt hàng mang đặc thù nhiệt đới như hạt điều, cà phê, hồ tiêu,... Đây là những sản phẩm lợi thế riêng của Việt Nam mà Mỹ không thể tự sản xuất hoặc không có khả năng cạnh tranh, có thể được miễn hoặc hưởng mức thuế thấp hơn trong chính sách thuế mới của Mỹ.
Do đó, thay vì bị động, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy các nhóm hàng này bằng cách nâng cao giá trị, kiểm soát chất lượng và đặc biệt là xây dựng một sàn giao dịch hàng hóa mang tầm quốc tế ngay tại trung tâm tài chính quốc tế trong nước.
“Nhiều lợi ích hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tài chính, tổ chức trung gian… khi có sàn giao dịch. Không có “liều thuốc tiên” hiệu dụng ngay với các chính sách hỗ trợ nhưng sàn giao dịch lại là “cái túi thần kỳ” giúp doanh nghiệp chủ động, thậm chí có thể tham gia điều tiết dòng chảy hàng hóa của toàn cầu. Tác động thuế quan của riêng thị trường Mỹ đối với hàng hóa nếu giao dịch qua sàn sẽ giảm đáng kể khi dòng chảy từ đây đi khắp thế giới chứ không phụ thuộc vào một thị trường lớn nhất”, Chủ tịch Phúc Sinh nói.
Ngoài ra, một trong những giải pháp trọng tâm được ông Thông nhấn mạnh là việc thiết lập chính sách hỗ trợ tài chính công bằng và thiết thực hơn cho sản xuất nội địa. Việc triển khai các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn hơn cho sản xuất phục vụ thị trường trong nước là vô cùng cần thiết, tạo đòn bẩy để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đất để khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đầu tư xây dựng nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất. Các gói chính sách hỗ trợ chuyên biệt cho phát triển bền vững, chuyển đổi số cũng cần được chú trọng.
“Một đối tác mới nhất của chúng tôi, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan khi tài trợ 15 triệu USD cho Phúc Sinh đã khẳng định: Biến động thuế quan không đáng lo bằng biến đổi khí hậu. Theo đó, tôi cho các rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ, cần thiết trên tầm nhìn để trang bị cho doanh nghiệp sức mạnh cạnh tranh bền vững, dài hơn trong tương lai, không chỉ đơn thuần là chống chịu, phục hồi hay tăng trưởng trong ngắn hạn”, ông Thông đề xuất.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là tính khả thi và khả năng tiếp cận của các chính sách này. "Mọi chính sách phải thiết thực, doanh nghiệp tiếp cận được - tránh trường hợp hỗ trợ ưu đãi như trước đây, sau đó kiểm toán và doanh nghiệp bị phạt, gây khó khăn trở ngại trong tiếp cận và rào cản hiệu quả thật của các chính sách hỗ trợ", vị Chủ tịch nói thêm.
Song song với việc hỗ trợ phía cung, các biện pháp kích cầu tiêu dùng trực tiếp và xây dựng niềm tin vững chắc vào hàng Việt cũng đóng vai trò then chốt.
Để tăng sức mua cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, rất cần những gói hỗ trợ tiêu dùng, Đây là giải pháp có thể mang lại tác động nhanh chóng, giúp khơi thông dòng tiền và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự "yêu hàng Việt", yếu tố cốt lõi nằm ở chất lượng. Cần có "chính sách quản lý có định hướng về chất lượng hàng hóa nhằm thúc đẩy ‘người Việt yêu hàng Việt’ một cách thực chất", niềm tin của người tiêu dùng phải được xây dựng trên nền tảng chất lượng vượt trội và sự minh bạch của sản phẩm "Made in Vietnam".
Đi liền với đó là nhiệm vụ bảo vệ thị trường nội địa khỏi làn sóng hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng từ bên ngoài. Theo ông Thông, đây thậm chí còn là "thách thức lớn hơn" cả việc cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao từ các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe, ngay cả khi thuế nhập khẩu về 0%. Bởi lẽ, doanh nghiệp nội địa vẫn có lợi thế về chi phí logistics và sự am hiểu thị trường. Việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật và cơ chế kiểm soát chặt chẽ không chỉ bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính mà còn đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/thach-thuc-xuat-khau-gia-tang-da-den-luc-kich-hoat-thi-truong-noi-dia-100-trieu-dan.html