Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ, đặt nền móng cho thời kỳ phát triển mới
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, tỉnh vẫn kiên định mục tiêu, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 8,36%/năm, một con số đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều địa phương tăng trưởng chậm lại.
Bí thủ Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại hội nghị
Đến năm 2025, quy mô GRDP của tỉnh ước đạt 151.200 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng mạnh. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi thương mại - dịch vụ cũng khởi sắc, nông nghiệp ổn định và từng bước tiếp cận công nghệ cao.
Một điểm sáng đáng chú ý là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng đột biến. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tổng vốn FDI đăng ký hơn 5,4 tỷ USD, gấp 14,5 lần giai đoạn trước, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Các chỉ số đánh giá cải cách hành chính và môi trường đầu tư như PAPI, SIPAS, PCI đều có sự cải thiện rõ rệt, đưa Thái Bình vươn lên nhóm khá toàn quốc.
Thu ngân sách nhà nước cũng đạt kết quả khả quan khi 4 tháng đầu năm 2025 thu đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, việc làm được quan tâm đúng mức, công tác an sinh xã hội được chú trọng, phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát” được triển khai khẩn trương với mục tiêu hoàn thành trước ngày 20/6/2025.
Tỉnh Thái Bình cũng đang đặt mục tiêu chiến lược thông qua các kiến nghị cụ thể với Chính phủ. Trong đó có đề xuất xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành Khu kinh tế mở ven biển, dự án lấn biển quy mô lớn, đầu tư cảng Diêm Điền, thành lập Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, phát triển mô hình Đại học Y Dược thông minh, mở tuyến đường 10 làn xe kết nối với tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn được bổ sung các nhà máy điện LNG vào Quy hoạch Điện VIII, hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng và tăng cường khả năng thu hút đầu tư công nghiệp sạch.
Tư duy mới, hành động quyết liệt để Thái Bình thực sự bứt phá
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định những kết quả này đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại. So với tiềm năng, Thái Bình chưa thực sự bứt phá. Nền kinh tế vẫn ở quy mô nhỏ, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Các yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số chưa trở thành động lực chủ đạo cho tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị làm việc với Ban thường vụ tỉnh Thái Bình.
Từ thực tiễn đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đổi mới tư duy phát triển. Thái Bình cần xác định rõ được lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội của mình, từ đó xây dựng chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, lấy con người làm trung tâm, lấy khoa học - công nghệ làm động lực và lấy đổi mới sáng tạo làm phương thức chủ đạo. Trong đó, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, cần được ưu tiên để phá vỡ thế cô lập tương đối, mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương triển khai dự án lấn biển và khu kinh tế mở ven biển, coi đây là không gian phát triển mới mang tính đột phá. Đây không chỉ là bước đi mở rộng quỹ đất, mà còn là cơ hội để Thái Bình tái cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại, thu hút các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp điện khí LNG, công nghiệp hậu cần và logistics.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính cần được thực hiện thực chất, hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 30% điều kiện, thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Việc sớm thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã là điều cần thiết để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số và xã hội số là chìa khóa giúp Thái Bình tạo ra những đột phá mới về năng suất và chất lượng. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế và triển khai hiệu quả các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị.
Một nội dung được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó có phương án liên kết, sáp nhập giữa Thái Bình và Hưng Yên. Thủ tướng đề nghị tỉnh quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: phải thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn, thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, vượt qua lợi ích cục bộ và tâm lý vùng miền để hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện cho cả khu vực.
Phương Liên