Năm tăng tốc, bứt phá về kinh tế
Năm 2023 là năm Thái Bình chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt gần 3 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. Tiếp nối đà phát triển đó, năm 2024, công tác thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục khởi sắc với tổng thu hút vốn đầu tư đạt trên 43.177,6 tỷ đồng, trong đó có 199 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 30.104,6 tỷ đồng; vốn FDI đạt 1,16 tỷ USD, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Các dự án nổi bật phải kể đến là dự án xây dựng nhà máy Yuan Long Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái của Công ty Yuan Long International Limited (Thái Lan), chuyên sản xuất quạt trần và các linh kiện liên quan khác với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú (xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải) với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Một góc Khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 tỉnh Thái Bình đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023, bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2024 tăng gấp 1,35 lần so với bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố.
Tiếp nối thành công của năm 2024, năm 2025 được tỉnh Thái Bình xác định là năm tăng tốc, bứt phá về đích, là năm cuối nhiệm kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu tăng GRDP từ 10,5% trở lên; thu nội địa đạt trên 13.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt trên 1,5 tỷ USD.
Đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương, tuy nhiên, cùng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, những giải pháp quyết liệt, linh hoạt triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm, Thái Bình kỳ vọng sẽ tạo bứt phá, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng hai con số
Kịch bản tăng trưởng hai con số trên là hoàn toàn có căn cứ dựa trên cơ sở rà soát đánh giá và phát huy tối đa các tiềm năng, dư địa phát triển trên từng lĩnh vực của tỉnh Thái Bình.
Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh toàn diện công tác thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình như lĩnh vực công nghiệp, ngoài duy trì, phát triển các lĩnh vực chủ lực, có tác động mạnh đến tăng trưởng của địa phương như điện, sắt thép, dệt may, năm 2025 có nhiều dự án công nghiệp trên địa bàn hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị, năng lực mới cho tăng trưởng như Nhà máy Greenworks Thái Bình; Nhà máy Công ty Compal Việt Nam, Nhà máy Good Way… Dự kiến tăng trưởng ngành công nghiệp khoảng 19,8%.
Đối với ngành xây dựng, năm 2025 cũng có nhiều dự án đang triển khai như: Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp Hưng Phú, Nhà máy Greenworks, Nhà máy Pegavision, Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amoniac... và các dự án đầu tư thứ cấp khác trong khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phối cảnh dự án Nhiệt điện khí LNG Thái Bình. Ảnh minh họa
Đồng thời, hạ tầng giao thông, công nghiệp được đẩy mạnh đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm như cao tốc CT.08 (kế hoạch vốn 5.800 tỷ đồng); tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn; các tuyến đường trục kết nối trong khu kinh tế; tuyến đường thành phố Thái Bình đi Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên....
Đối với ngành nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành (hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, thiết bị sấy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp); nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, triển khai kế hoạch phát triển lúa gạo Thái Bình. Dự kiến tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2025 đạt 3,6% để bù đắp cho năm 2024 (giảm 0,21% do bão Yagi).
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, nhiệm vụ trong năm 2025 đặc biệt quan trọng và khá nặng nề bởi đây là năm về đích thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ và năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, hướng đến kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và thực tiễn yêu cầu phát triển. Do đó cần phải thống nhất về quan điểm, nhận thức, hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, linh hoạt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và khẩn trương bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn ở cả lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư. Cả hệ thống chính trị tập trung giải phóng mặt bằng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án trọng điểm và đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đặc biệt, Thái Bình khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tạo điều kiện để sớm đưa các dự án quy mô lớn, công nghệ cao đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất, tạo giá trị, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, năm 2025 tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn ở cả lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư.
Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn và các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; giải quyết kịp thời các thủ tục, hồ sơ cho các dự án đầu tư mới, dự án đã có kế hoạch đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2025. Đồng thời, quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, thực hiện đa dạng các hình thức huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội và thúc đẩy hợp tác công tư, thực hiện phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm.
Với tinh thần quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo cùng khát vọng vươn lên, đồng lòng, đồng thuận, Thái Bình kỳ vọng sẽ tận dụng mọi thời cơ, vươn lên bứt phá, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu tăng GRDP từ 10,5% trở lên; thu nội địa đạt trên 13.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt trên 1,5 tỷ USD.
Thanh Minh