Thái Bình: Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế

Thái Bình: Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế
4 giờ trướcBài gốc
Tăng trưởng ở tất cả các chỉ số phát triển kinh tế
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình đã được ghi nhận ở mức cao so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, sản xuất công nghiệp có vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình. Trong nửa đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt gần 44.600 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
TP. Thái Bình phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025
Thái Bình cũng ghi nhận sự tăng trưởng của lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 39.100 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng hơn 20%; nhóm xăng dầu các loại tăng trên 10%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt tăng khoảng 12%; nhóm hàng may mặc tăng gần 20%; nhóm hàng hóa khác tăng hơn 10%.
Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Thái Bình tăng 10,77%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.296,4 triệu USD, tăng 14,22% (tương đương 286 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá trị xuất khẩu hàng may mặc vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 47,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trên toàn tỉnh Thái Bình hiện có 318 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng thêm 35 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu, tập trung vào nhóm ngành điện tử, giày dép. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng theo thị trường châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất ước đạt 1.269,9 triệu USD, tăng 16,89% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 55,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số thị trường có giá trị xuất khẩu lớn như: Hàn Quốc ước đạt 350,7 triệu USD, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản 321,4 triệu USD, tăng 10,06%, chủ yếu từ hàng khăn xuất khẩu; thị trường Hồng Kông ước đạt 194,6 triệu USD, tăng 26,28%.
Trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất vụ mùa, vụ đông theo kế hoạch; nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu, xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiến hành triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp; tăng cường giám sát, phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, chủ động khai thác các nguồn thu, có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả.
Tạo bứt phá từ thu hút đầu tư
Để duy trì hiệu quả đà tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Thái Bình quan tâm thực hiện đó là tạo bứt phá từ thu hút đầu tư. Nửa đầu năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đã đạt gần 7.800 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh)
Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh, Thái Bình đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, tỉnh tổ chức thành công đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tỉnh Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, tỉnh đã rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (trên 30% so với quy định của Trung ương). Đồng thời duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả. Ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...
Định hướng từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra./.
M.Q
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/thai-binh-giu-vung-da-tang-truong-kinh-te-35801.html