Thời gian qua, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Thái Bình còn 11.925 hộ nghèo, 12.587 hộ cận nghèo; trong đó có những hộ phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát nhưng không đủ khả năng tự sửa chữa, nâng cấp, rất cần được sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến tháng 9/2025 hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Ảnh: ST
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới... Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ:
Cần xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đến tháng 9/2025 hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Tập trung triển khai nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt để huy động hiệu quả các nguồn lực chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh theo phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ" với các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, nguồn lực xã hội hóa, sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư và nguồn lực từ chính các hộ gia đình có nhà tạm, nhà dột nát. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thu hút sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp huy động hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa, linh hoạt, phù hợp với thực tế trên tinh thần "Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều".
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ban hành Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2024 - 2025 và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt việc rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng nhà tạm, nhà dột nát. Danh sách các hộ được hỗ trợ phải có thứ tự ưu tiên cụ thể, đảm bảo chính xác, đúng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Chương trình trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo phương châm làm đến đâu hoàn thiện dứt điểm đến đấy; tham mưu chuẩn bị nội dung để Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện trong quý IV/2025.
Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Các huyện ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện, thành phố do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo, chủ tịch UBND cùng cấp là phó trưởng ban chỉ đạo, thành viên gồm: chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, một số đồng chí trưởng ngành, cơ quan chuyên môn, đoàn thể. Ban Chỉ đạo tỉnh và ban chỉ đạo huyện, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng thời Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh; chú trọng phổ biến, tuyên truyền, phản ánh các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo phát động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp, ủng hộ "Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo" với nội dung theo Chương trình phát động của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức tiếp nhận và thực hiện việc cấp kinh phí huy động qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ trong danh sách được xét duyệt.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Kịp thời phát hiện, biểu dương, đề xuất khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong công tác vận động, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định. Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ..
Trần Anh