Thái Bình: Phấn đấu đến tháng 9/2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Thái Bình: Phấn đấu đến tháng 9/2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
2 giờ trướcBài gốc
UBND tỉnh Thái Bình phấn đấu đến tháng 9/2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. (Ảnh minh họa)
Quan điểm, mục tiêu của đề án là giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị và là chính sách xã hội mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm để toàn tỉnh phấn đấu đến tháng 9/2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tập trung phấn đấu giải quyết cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có đời sống khó khăn, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, không thể sử dụng được trên địa bàn tỉnh.
Nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương; phù hợp với điêu kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc hỗ trợ phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước. Huy động từ nhiều nguồn lực để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn, cộng đồng và các đoàn thể giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở, đề án của UBND tỉnh nêu rõ: Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2), bảo đảm "3 cứng" là: nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, nhanh hỏng, dễ cháy.
Đề án của UBND tỉnh Thái Bình xác định đối tượng đưọc hỗ trợ nhà ở gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tối thiểu 3 năm tính đến thời điểm khảo sát và bảo đảm các điều kiện sau: Chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại nhà tạm, nhà dột nát; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc tổ chức chính trị - xã hội khác theo các cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành; nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp (không có tranh chấp - có biên bản đồng thuận của các hộ gia đình trong cùng thửa đất), không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Về thứ tự ưu tiên, đối với hộ nghèo thứ tự ưu tiên như sau: Hộ có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyêt tật); các hộ còn lại. Đối với hộ cận nghèo thứ tự ưu tiên như sau: Hộ có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); các hộ còn lại. Đối với những hộ có từ 2 ưu tiên trở lên thì chọn ưu tiên cao hơn. Đối với các hộ gia đình có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện trước theo thứ tự sau: Hộ có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn; hộ chưa có nhà ở (là hộ chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước); hộ có đông nhân khẩu.
Theo đề án của UBND tỉnh Thái Bình, dự kiến kinh phí xây dựng mới một căn nhà với diện tích khoảng 30m2 bảo đảm chất lượng theo yêu cầu là 150 triệu đồng; dự kiến sửa chữa 01 căn nhà khoảng 75 triệu đồng từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (nếu có); nguồn vốn ngân sách địa phương (bao gồm nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh; nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố) và nguồn vốn tỉnh huy động thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác…
Lan Hạ
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/thai-binh-phan-dau-den-thang-92025-xoa-100-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-ho-can-ngheo-388697.html