Thái Bình trong nhóm 'tỷ USD' về thu hút FDI

Thái Bình trong nhóm 'tỷ USD' về thu hút FDI
một ngày trướcBài gốc
Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. (Nguồn: TTXVN)
Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho hay, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thái Bình đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm trước. Quy mô kinh tế đạt hơn 132.700 tỷ đồng, đưa địa phương lên vị trí thứ 23 toàn quốc và đứng thứ 8 khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ 30,41% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,7%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/12/2024, toàn tỉnh có 1.172 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đầu tư 12.604 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.480 triệu USD, tăng 10,7% so với năm trước, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 1.07 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 26.723,1 tỷ đồng, đạt 137,1% dự toán, tăng 10,1% so với năm 2023.
Thành công lớn của tỉnh còn thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 38.088,1 tỷ đồng, trong đó có 154 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI đạt hơn 1 tỷ USD.
Để có được thành quả trên, tỉnh đã quyết liệt, tăng tốc trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Trong năm, tỉnh tổ chức thành công nhiều đoàn công tác đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga, Trung Quốc...
Song song với đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng tổ chức các hội nghị kết nối, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt trên 9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,6% và duy trì số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức trên 1.000 doanh nghiệp mỗi năm.
Địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương, quyết tâm tinh gọn bộ máy hành chính để tối ưu hóa hiệu quả. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín cũng được đặt làm trọng tâm trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm; tích cực xúc tiến các nhà đầu tư có năng lực, sử dụng công nghệ cao, các dự án có số thu nộp ngân sách cao, giá trị gia tăng lớn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức xúc tiến thương mại, ngoại giao, đại sứ quán để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp.
Thái Bình tiếp tục duy trì Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo - coi đây là một trong những phương thức đồng hành, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế. Tập trung triển khai các giải pháp khơi thông “điểm nghẽn”, “nút thắt”, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là các dự án giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...
Gia Thành
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thai-binh-trong-nhom-ty-usd-ve-thu-hut-fdi-300736.html