Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển - Bài 2: Đột phá trong hành trình vươn lên

Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển - Bài 2: Đột phá trong hành trình vươn lên
3 giờ trướcBài gốc
Bước chuyển mạnh mẽ từ “Nghị quyết 02”
Trong phát triển công nghiệp, Thái Bình là tỉnh đi sau, nên có điều kiện học hỏi, thay đổi tư duy, nắm bắt xu thế phát triển và khai thác hiệu quả các tiềm năng, dư địa để phát triển mạnh mẽ.
Năm 2003, toàn tỉnh Thái Bình chỉ có 26 dự án đầu tư vào 1 Khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 483,5 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI. Sau 20 năm, Thái Bình cùng TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang là 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với số vốn thu hút gần 3 tỷ USD. Chỉ tính trong 6 tháng năm 2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt hơn 7.700 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 232 triệu USD, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2023.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Thái Bình và Hàn Quốc. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Nói như vậy để thấy, không phải ngẫu nhiên Thái Bình trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhớ lại, Thái Bình luôn có tham vọng lấy công nghiệp làm động lực phát triển chính, thu hút đại bàng tới đầu tư. Nhưng câu hỏi đặt ra: Thái Bình sẽ lấy gì để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận có ưu thế phát triển công nghiệp từ lâu như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam... Bởi điều dễ nhận thấy, Thái Bình là tỉnh thuần nông, kinh tế manh mún, hạ tầng giao thông hạn hẹp.
Trên cơ sở định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thái Bình bắt tay vào xây dựng các KCN, KKT Thái Bình lớn nhất từ trước tới nay, với tâm thế “dọn ổ đón đại bàng tới đầu tư”. Đồng thời, để phục vụ phát triển KCN nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư.
Năm 2017 là dấu mốc quan trọng với Thái Bình, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập KKT Thái Bình. Theo quy hoạch, KKT Thái Bình gồm 22 KCN với tổng diện tích 8.020ha; Khu cảng biển Thái Bình rộng 500ha; Trung tâm điện lực Thái Bình 853ha; Khu du lịch, dịch vụ 3.110ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản: 4.715ha và 3.000ha đô thị. KKT có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km... Đây là mô hình kinh tế-xã hội được Thái Bình kỳ vọng mang tới sự phát triển đột phá cho địa phương. Song ở thời điểm đó, đây là mô hình kinh tế hoàn toàn mới mẻ tại Thái Bình. Câu hỏi đặt ra phải định hình KKT như thế nào, quy hoạch ra sao, bắt đầu xây dựng và nguồn lực từ đâu, lựa chọn nhà đầu tư nào, thu hút các dự án lĩnh vực gì...?.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình).
Để giải những câu hỏi hóc búa đó, ngày 21-12-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã họp, thống nhất ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển KKT Thái Bình. Nghị quyết ra đời đã tạo ra những đột phá, huy động tối đa nguồn lực để cả hệ thống chính trị bắt tay vào triển khai xây dựng KKT. Tiếp tục chủ trương đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo để phát triển toàn diện KKT Thái Bình đặt trong chiến lược dài hạn. Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng, phát triển KKT Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư tới Thái Bình.
Từ các chủ trương, định hướng trong “Nghị quyết 02” và nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, những năm qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của KKT Thái Bình. Quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Thái Bình, họ đều có chung nhận định, Thái Bình đã có sự đổi mới nhanh chóng, bắt kịp với xu hướng thời đại. Nếu Thái Bình trước đây được ví như 1 “ốc đảo” với 1 mặt giáp biển, 3 mặt giáp sông, khó khăn trong việc giao thương; cơ sở hạ tầng công nghiệp manh mún, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thì từ năm 2018 đến nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ này là giai đoạn KKT Thái Bình và nhiều KCN được thành lập, tạo ra quỹ đất đủ lớn phục vụ phát triển ngành công nghiệp. Từ KCN đầu tiên được thành lập cuối năm 2002, sau hơn 20 năm bức tranh tổng thể các KCN đã có sự thay đổi vượt bậc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1 KKT, 10 KCN và 49 cụm công nghiệp đã được thành lập. Đáng chú ý, KCN Liên Hà Thái quy mô hơn 588ha trong KKT Thái Bình đã trở thành đầu tàu, hình mẫu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả trong thu hút đầu tư với hàng chục dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Xác định rõ giao thông thuận tiện là yếu tố hàng đầu hấp dẫn nhà đầu tư rót tiền vào Thái Bình, 5 năm trở lại đây, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng (CT.08), tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành... và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong KKT. Những tuyến đường mới được đầu tư đồng bộ, kết nối không chỉ mang lại diện mạo mới, hiện đại mà còn tác động tích cực đến việc thu hút các nhà đầu tư vào KKT Thái Bình...
Điểm đến mới của các nhà đầu tư
Nói về lý do vì sao Công ty Cổ phần GREEN i-PARK, đơn vị đầu tư phát triển hạ tầng KCN Liên Hà Thái lựa chọn Thái Bình, bà Đặng Thị Hiệp, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần GREEN i-PARK khẳng định với chúng tôi: Lựa chọn Thái Bình để điểm đến đầu tư là sự lựa chọn đúng đắn của GREEN i-PARK. Sau 3 năm đầu tư, KCN Liên Hà Thái trở thành KCN đầu tàu, kiểu mẫu, thân thiện với môi trường, công nghệ cao hàng đầu ở vùng châu thổ sông Hồng, điển hình trong thu hút vốn đầu tư FDI. 21 nhà đầu tư thứ cấp đã tới đầu tư ở KCN Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, với các ngành nghề công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Điện, điện tử, tự động hóa, linh kiện ô tô... từ những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Công ty Cổ phần dịch vụ dầu khí Thái Bình.
Các nhà đầu tư đã nhìn ra tiềm năng rất lớn của Thái Bình: Về vị trí, địa phương tiệm cận với nhiều sân bay, cảng biển trọng điểm của miền Bắc; về lao động, có nguồn lao động dồi dào với gần 2 triệu dân và 57% trong độ tuổi lao động, có nhiều cơ sở đào tạo bảo đảm nguồn lao động có cả lượng lẫn chất. Thái Bình có quỹ đất lớn, chính quyền các cấp, người dân sẵn sàng và nhận thức tích cực về việc chuyển đổi để phát triển dự án, phát triển kinh tế. Quan trọng hơn cả, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình có định hướng và quyết tâm lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ.
Hiện nay, Thái Bình đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Hải Long, KCN VSIP Thái Bình; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG và các thủ tục thành lập KCN Dược-Sinh học... Tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên để định hình tuyến đường mới mang tính huyết mạch nối từ Thái Bình về Hà Nội, còn gọi là tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô...
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao (Tân Đệ). Ảnh: NAM GIAO
Qua khảo sát ở một số sở, ngành, huyện, thị trấn ở Thái Bình cho thấy, có một cách làm khá hay ở Đảng bộ tỉnh Thái Bình đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc đi liền với chương trình tổng thể là phải rà soát, làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết xác định qua từng giai đoạn. Có nghĩa là, nói như đồng chí Ngô Đông Hải: Lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo. Kiểm tra thường xuyên việc lãnh đạo, thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp chính là thêm một lần tạo động lực, áp lực để các cấp ủy, tổ chức đảng nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, sớm phát hiện yếu kém, khuyết thiếu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương pháp, biện pháp lãnh đạo. Kiểm tra cũng là để chống thói quan liêu, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, thay thế những cán bộ không còn khả năng làm việc.
Cách làm nền nếp, thực chất như thế giúp Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thắng lợi các chủ trương, giải pháp nghị quyết và sớm có kế hoạch, quyết tâm chính trị lãnh đạo đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Về với Thái Bình hôm nay, chúng ta không còn thấy khoảng cách quá xa giữa thành thị với nông thôn; cũng không còn “điểm nóng” về tình trạng mất ổn định ở nông thôn. Đó là bức tranh sống động về đời sống kinh tế, văn hóa của người dân Thái Bình. Kết quả ấy đến từ việc người đứng đầu của tỉnh, huyện, xã rất quyết liệt và thay đổi trong công tác lãnh đạo, điều hành. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật cùng sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và của cấp trên, các khuyết điểm đã được “giải phẫu”. “Vấn đề cốt lõi nhất chính là để người dân tin và cảm nhận được, Đảng bộ, chính quyền thực sự chăm lo cho dân, chăm lo tốt cho nhân dân thì nhân dân sẽ ủng hộ”, đồng chí Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ.
(còn nữa)
Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thai-binh-va-nhung-nghi-quyet-mo-duong-phat-trien-bai-2-dot-pha-trong-hanh-trinh-vuon-len-798401