Thái Lan chống lừa đảo xuyên biên giới: Cuộc chiến chưa có hồi kết?

Thái Lan chống lừa đảo xuyên biên giới: Cuộc chiến chưa có hồi kết?
một ngày trướcBài gốc
Các đối tượng lừa đảo bị cơ quan chức năng Lào bắt giữ. Ảnh: TTXVN
Nhận định trên trang web của Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) ngày 9/5, chuyên gia Tita Sanglee tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng kể từ đầu năm 2025, Thái Lan đã phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm dẹp bỏ các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động dọc biên giới nước này. Tuy nhiên, dù có những biện pháp mạnh tay, Thái Lan vẫn đối mặt với "một cuộc đấu tranh gian nan" trước các mạng lưới tội phạm có khả năng thích nghi cao.
Ngay sau khi nhậm chức, chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã đưa cuộc chiến chống tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia vào danh sách 10 chính sách ưu tiên. Sự mất tích ngắn ngủi của nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh tại biên giới Thái Lan - Myanmar vào tháng 1/2025 đã khiến chính quyền Thái phải triển khai các biện pháp cụ thể, bao gồm: Thắt chặt hình phạt đối với hành vi tiết lộ dữ liệu cá nhân trái phép, tăng cường hợp tác khu vực với Trung Quốc và Myanmar.
Đặc biệt, biện pháp mạnh tay nhất là cắt các tiện ích – điện và internet – tại năm địa điểm trọng điểm dọc biên giới. Tuy đã mang lại một số kết quả, chính sách này cũng gây ra những hệ lụy đáng kể. Tại Tachileik, một thị trấn biên giới bị nhắm tới, 7.500 hộ gia đình, 45 trường học và năm bệnh viện đã bị ảnh hưởng, trong đó có 200 bệnh nhân cần oxy cấp cứu.
Những thách thức trong cuộc chiến
Mặc dù đã giải cứu được hàng nghìn nạn nhân từ các khu phức hợp lừa đảo ở Myanmar, chính quyền Thái Lan vẫn phải đương đầu với nhiều rào cản lớn:
Thứ nhất, tình trạng tham nhũng và đấu đá nội bộ: Phản ứng chậm chạp của chính quyền một phần bắt nguồn từ "cuộc đấu đá nội bộ giữa các đảng liên minh và các cơ quan nhà nước khác nhau". Tham nhũng trong hàng ngũ chức sắc cũng là một yếu tố đáng kể cản trở hiệu quả của các chiến dịch trấn áp.
Thứ hai, khả năng thích ứng cao của bọn tội phạm: Khi đối mặt với việc cắt điện và internet, các tổ chức lừa đảo đã nhanh chóng chuyển sang sử dụng máy phát điện dự phòng và pin mặt trời. Chúng cũng thay đổi chiến thuật, chuyển từ "các cụm tập trung sang các nhóm độc lập, làm phức tạp thêm việc theo dõi và hành động phòng ngừa".
Thứ ba, di chuyển sang các quốc gia láng giềng: Khi áp lực tăng cao tại Myanmar, các đường dây lừa đảo đã nhanh chóng di chuyển sang Lào và Campuchia. Các điểm nóng lừa đảo như Poipet và Sihanoukville ở Campuchia đang tái diễn bất chấp các cuộc trấn áp trước đó. Trong 215 người được giải cứu từ khu phức hợp lừa đảo Poipet vào cuối tháng 2, hơn một nửa là công dân Thái Lan. Ngược lại, mặt trận phía Tây Thái Lan-Myanmar là nơi tội phạm nước ngoài săn mồi các nạn nhân nước ngoài.
Có động lực mạnh mẽ cho chính quyền Thái Lan gia tăng phiếu bầu khi ưu tiên mặt trận phía Đông. Thật vậy, chính quyền Paetongtarn đã cân nhắc việc xây dựng một bức tường biên giới . Nhưng bộ máy an ninh có lý do chính đáng để phân loại biên giới phía Tây của Thái Lan với Myanmar là nơi dễ bị tổn thương nhất. Việc duy trì an ninh một cách có hệ thống trên cả hai mặt trận với ngân sách eo hẹp sẽ là thách thức trong tương lai.
Thứ tư, căng thẳng ngoại giao: Chính sách cắt điện đã làm dấy lên những cuộc biểu tình và đe dọa tẩy chay Thái Lan từ người dân Myanmar. Thủ tướng Paetongtarn đáp trả rằng "bảo vệ người dân Thái Lan là trên hết", một tuyên bố có thể bị xem là đối đầu. Trong bối cảnh Thái Lan "đang già hóa nhanh chóng và ngày càng phụ thuộc vào lực lượng lao động Myanmar", sự tích tụ tình cảm chống Thái Lan có thể trở thành một rủi ro lâu dài.
Để đối phó với các mạng lưới lừa đảo do người Trung Quốc điều hành, Thái Lan đã tăng cường hợp tác với Bắc Kinh. Sự tham gia tích cực của Trung Quốc theo chỉ thị của Bộ Công an nước này được xem là "hữu ích vì nó giúp Thái Lan luôn cảnh giác". Tuy nhiên, việc hợp tác chặt chẽ này cũng đặt ra những lo ngại về chủ quyền.
Theo quan sát, Thái Lan đang có xu hướng "mất cân bằng" trong quan hệ quốc tế khi "hầu hết các nước láng giềng gần nhất của họ dường như ủng hộ Trung Quốc và trong khi liên minh Thái-Mỹ vẫn còn bất định".
Có thể thấy, cuộc chiến chống lừa đảo của Thái Lan đang đối mặt với một thực tế khó khăn: "những kẻ lừa đảo chỉ có thể bị ngăn chặn chứ không thể bị xóa sổ". Sự trỗi dậy trở lại của các trung tâm lừa đảo ở Campuchia là minh chứng rõ ràng cho điều này. Với những nguồn lực hạn chế và chi phí tài chính, tác động ngoại giao ngày càng tăng, Thái Lan có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì áp lực lên các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia trong dài hạn.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-chong-lua-dao-xuyen-bien-gioi-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-20250510210214030.htm