Thái Lan rà soát cuối kỳ áp thuế chống bán phá giá với thép carbon cán nguội Việt Nam

Thái Lan rà soát cuối kỳ áp thuế chống bán phá giá với thép carbon cán nguội Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Thái Lan rà soát cuối kỳ áp thuế chống bán phá giá với thép carbon
Theo đó, ngày 04/2/2025, Cục đã nhận được thông tin về việc Cục Ngoại Thương Thái Lan (DFT) khởi xướng rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép carbon cán nguội (Cold Reduced Carbon Steel in Coils and not in Coils) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Cục Ngoại thương Thái Lan (DFT) khởi xướng rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép carbon cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan
Sản phẩm thép bị điều tra rà soát được phân loại theo mã HS: 7209.1500, 7209.1600, 7209.1700, 7209.1820, 7209.1890, 7209.2500, 7219.2600, 7209.2700, 7209.2810, 7209.2890, 7209.9010, 7209.9090, 7211.2310, 7211.2320, 7211.2330, 7211.2390, 7211.2910, 7211.2920, 7211.2930, 7211.2990, 7225.5000.
DFT đã ban hành bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi là 16 giờ 30' ngày 7/3/2025 (giờ Bankok). Để kịp thời ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có liên quan; khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia nếu cần thiết.
Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp, xuất khẩu có liên quan đăng ký tham gia và trả lời bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn và thể thức quy định. Hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra (gồm trả lời bản câu hỏi điều tra, gửi ý kiến bình luận…) trong toàn bộ quá trình vụ việc để tránh bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ (thường dẫn tới kết quả bất lợi). Đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn, thể thức và thời hạn quy định.
Ngoài ra, cần liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Xem thêm Bản câu hỏi rà soát cuối kỳ tại đây.
Từng bước chuyên nghiệp hóa trong đối mặt với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
Do đặc thù là một ngành công nghiệp xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nên thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.
Kể từ vụ việc đầu tiên đến tháng 11/2024, các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép là 80 vụ việc (chiếm khoảng 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài); trong đó kiện chống bán phá giá (47 vụ), kiện chống trợ cấp (4 vụ), kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp (7 vụ), kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ), kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (9 vụ).
Tính theo quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đứng đầu là Hoa Kỳ (18 vụ), sau đó lần lượt là Malaysia (10 vụ), Canada (8 vụ), Thái Lan (8 vụ), Ấn Độ (5 vụ), EU (4 vụ), Indonesia (4 vụ), Mexico (3 vụ), và các quốc gia khác.
Đặc biệt, trong năm 2024, ngành thép đã đối diện 7 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 26% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong năm 2024. Các vụ việc bao gồm 6 vụ điều tra chống bán phá giá khởi xướng bởi Canada (tháng 3/2024), Hàn Quốc (tháng 5/2024), Ấn Độ (tháng 8/2024), EU (tháng 8/2024), Thái Lan (tháng 9/2024), Malaysia (tháng 10/2024); và 1 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp khởi xướng bởi Hoa Kỳ (tháng 9/2024).
Sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận, như việc EC không áp biện pháp phòng vệ thương mại lên ống thép Việt Nam (nguyên đơn rút đơn); năm 2017, Australia kết luận không tồn tại hành vi bán phá giá của Việt Nam đối với mặt hàng thép dây dạng cuộn; năm 2019, Indonesia dừng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác; năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho doanh nghiệp Việt Nam (6,4-10,84%) thấp hơn so với Trung Quốc (24-77%).
Huyền My
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/thai-lan-ra-soat-cuoi-ky-ap-thue-chong-ban-pha-gia-voi-thep-carbon-can-nguoi-viet-nam-132929.htm