Thái Nguyên cần đưa chè cổ thành cây di sản quốc gia

Thái Nguyên cần đưa chè cổ thành cây di sản quốc gia
8 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Chương trình.
Dự chương trình có các đồng chí: Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các nghệ nhân, nhà nghiên cứu; đại diện các sở, ngành, địa phương và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Chương trình.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng vui mừng thông tin đến các đại biểu về việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 vào đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3-2), cũng là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt, vai trò của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành chè, nâng cao giá trị cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên.
Các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Chương trình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cây chè, sản phẩm trà Thái Nguyên còn nhiều tiềm năng phát triển từ giá trị kinh tế đến văn hóa. Những năm qua, cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, văn hóa cũng như các doanh nghiệp để tìm hiểu, khai thác, phát huy giá trị của cây chè, sản phẩm trà về các mặt kinh tế, văn hóa.
Các đại biểu dự Chương trình.
Riêng về cây chè, Thái Nguyên đã phát hiện hàng chục cây chè cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là di sản quý của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để đưa tất cả các cây chè cổ tại xã Minh Tiến (Đại Từ) trở thành cây di sản quốc gia. Từ đó có đầy đủ cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị.
Ông Nguyễn Văn Thụy, xóm Lưu Quang 5, xã Minh Tiến (Đại Từ), bên gốc cây chè hàng trăm năm tuổi sâu trong núi Bóng, xã Minh Tiến.
Đối với đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên năm 2025 của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất ủng hộ và đề nghị đơn vị đẩy nhanh tiến độ tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn kiến thức về văn hóa trà, làm cơ sở, nền tảng để triển khai thực hiện các nội dung tiếp theo. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phối hợp, tạo mọi điều kiện để HTX thực hiện chương trình một cách thuận lợi, hiệu quả nhất, góp phần vinh danh cây chè, phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục dành sự quan tâm, chung tay thực hiện mục tiêu phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của cây chè, sản phẩm trà và nâng tầm văn hóa trà Thái Nguyên.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phát biểu tại Chương trình.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: Văn hóa trà có sức hấp dẫn đặc biệt. Cây chè là một loại cây đặc biệt, vừa là cây kinh tế vừa hòa quyện, mang trong mình sức hấp dẫn của văn hóa. Sản phẩm trà và văn hóa trà sẽ có tương lai tươi sáng nhưng để đạt được điều này cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các địa phương, cộng đồng doanh nghiêp và cần có những đơn vị tiên phong như HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Đồng chí khẳng định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành với Thái Nguyên để quảng bá hình ảnh, văn hóa trà đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước, quốc tế…
Các nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân trà phát biểu tại Chương trình.
Chương trình cũng nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, hiến kế cho tỉnh Thái Nguyên trong việc tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, nâng tầm thương hiệu và giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2025, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương dự kiến mở thêm 8 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về văn hóa trà; trao đổi về phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, các HTX, làng nghề chè và cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Tại chương trình, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cam kết đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa trà Thái Nguyên.
Đồi chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Bên cạnh đó, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng đề xuất phương án đầu tư cơ sở hạ tầng ở 4 địa danh "Tứ đại danh trà" gồm Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng cảnh quan, quy hoạch vườn trà kiểu mẫu, hệ thống phòng thưởng trà, điểm dừng chân cheek-in, các tuyến tham quan, mua sắm, giới thiệu sản phẩm và các dịch vụ hỗ trợ khác; xây dựng và triển khai phương án bảo tồn, phát huy giá trị quần thể cây chè cổ tại xã Minh Tiến (Đại Từ), tiến tới đề nghị các cấp, ngành chức năng công nhận cây chè cổ Thái Nguyên là cây di sản của Việt Nam...
Hoàng Anh - Lăng Khoa
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202502/thai-nguyen-can-duache-co-thanh-cay-di-san-quoc-gia-f3b17f2/