Kỳ họp đầu tiên sau sắp xếp hành chính
Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp thứ nhất
Dự Kỳ họp có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ tỉnh và 83 đại biểu HĐND khóa XIV.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy chính quyền, mở ra cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kết cấu hạ tầng đến nguồn lực con người, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng để tạo nên một chỉnh thể kinh tế - xã hội hài hòa, năng động, có khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, mở rộng không gian phát triển.
Kỳ họp này đã thông báo về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, trưởng các ban của HĐND tỉnh; công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định Ủy viên UBND tỉnh; công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc phê chuẩn phó trưởng ban của HĐND tỉnh.
Tại Kỳ họp các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên đã nhất trí thông qua nhiều nghị quyết quan trọng tại kỳ họp lần này. Các quyết sách được ban hành kịp thời, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bộ máy chính quyền hai cấp mới vận hành ngay từ ngày đầu, đảm bảo sự liên tục, hiệu quả và không bị gián đoạn, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại Kỳ họp
Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cho rằng: khối lượng công việc trong giai đoạn sắp tới là hết sức lớn, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, thống nhất và linh hoạt. Ông kêu gọi các đại biểu HĐND cùng các cơ quan hành chính, tư pháp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò giám sát, tham mưu và phản biện xã hội, dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng tỉnh.
Trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có chọn lọc trọng tâm, nhằm thúc đẩy chuyển động tích cực trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành - từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát, tiếp thu và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất hợp lý của cử tri; đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng cho các kỳ họp chuyên đề và kỳ họp định kỳ sắp tới của HĐND tỉnh.
Bộ máy hành chính kiến tạo - phục vụ
Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp là bước cải cách thể chế lớn, nhằm mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả phục vụ. Với quyết tâm chính trị cao, Thái Nguyên đang khẩn trương hành động để chuyển hóa mô hình mới thành lợi thế về điều hành, từ đó tạo ra các giá trị gia tăng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sau kỳ họp này, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành bộ máy chính quyền mới; đồng thời, tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương đặc biệt tại các điểm mới sáp nhập hoặc điều chỉnh địa giới hành chính.
Chính thức đưa mô hình chính quyền hai cấp đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương. Sự chủ động, đồng bộ và quyết liệt trong hành động sẽ là nền tảng để địa phương xây dựng bộ máy chính quyền "kiến tạo - phục vụ", góp phần đưa Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Minh Huế