Những lễ hội dân gian truyền thống đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc mỗi dịp đầu năm, xuân mới. Tại Thái Nguyên các lễ hội đầu Xuân được diễn ra như Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc - Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú; Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa)… Các lễ hội này từ lâu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ngày 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), xã Văn Yên (Đại Từ) tổ chức Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc - Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú.
Lễ hội Núi Văn - Núi Võ được tổ chức vào mùng 4 Tết Ất Tỵ được chọn là lễ hội khai hội mùa Xuân của huyện Đại Từ. Đây không chỉ là lễ hội mở đầu mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 của huyện Đại Từ, cầu cho một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, mà còn là hoạt động thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với công lao to lớn của các vị Anh hùng dân tộc.
Núi Văn - Núi Võ ngày nay thuộc xã Văn Yên, được biết đến là nơi đã từng được vị tướng tài ba Lưu Nhân Chú - một trong những vị công thần khai quốc của triều đại hậu Lê vào thế kỷ thứ XV chọn làm nơi chiêu tập, rèn luyện binh sĩ.
Cũng trong ngày 1/2 (tức ngày mùng 4 tháng Giêng), huyện Phú Bình tổ chức Lễ Khai hội đình - đền - chùa Cầu Muối xuân Ất Tỵ 2025.
Cụm Di tích đình - đền - chùa Cầu Muối nằm trên địa bàn xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (huyện Phú Bình), được xây dựng từ năm 1719, thời hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông. Cụm Di tích gồm: Đình Cầu Muối, đền Thượng, đền Công Đồng và chùa Linh Sơn Tự. Đình Cầu Muối nằm ở vị trí trung tâm của cụm di tích, là nơi thờ thần Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương Dương Tự Minh - người có công lớn trong việc bảo vệ biên cương phía Bắc của Đại Việt vào thế kỷ XII.
Màn trống hội tại Lễ Khai hội.
Nằm bên cạnh đình Cầu Muối là chùa Cầu Muối (Linh Sơn Tự); chùa được xây dựng trên một ngọn đồi thoai thoải, thờ các vị Phật, Bồ Tát trong Phật giáo; phía trước cửa chùa là lầu chuông, lầu trống, lư hương đá cùng tượng cá chép vượt vũ môn chiếu rồng Tam Bảo; chùa hiện lưu giữ cây hương đá tứ diện Linh Sơn Tự được lập vào năm 1719.
Nằm cách đó khoảng 150 m là đền Công Đồng, tọa lạc trên một quả đồi cao khoảng 50m so với mặt bằng của đình và chùa. Đây là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong 4 vị "Tứ bất tử" của Việt Nam, cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của Việt Nam. Cùng với đó là đền Thượng, nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao hơn 300 m so với mặt đất, cách đền Công Đồng khoảng 300 m theo hướng Tây Bắc, thờ Mẫu Thượng Ngàn.
Nghi thức Tế lễ là một trong những nghi thức quan trọng được thực hiện tại Lễ Khai hội.
Năm 2005, Di tích đình - đền - chùa Cầu Muối được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Di tích không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân trong vùng mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân huyện Phú Bình. Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối được tổ chức hằng năm vào dịp đầu Xuân để tưởng nhớ công lao của các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Nguyên Mạnh