Thái Nguyên: Tập trung phát triển các cụm công nghiệp sau sáp nhập

Thái Nguyên: Tập trung phát triển các cụm công nghiệp sau sáp nhập
8 giờ trướcBài gốc
Phát triển công nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị liên vùng
Theo Báo cáo “Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 6 tháng đầu năm; Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025” của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên (trước khi sáp nhập) đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ và đạt 38,5% kế hoạch năm.
Trong đó, khu vực công nghiệp địa phương ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và đạt 41% kế hoạch năm; khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 410,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 92,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn), tăng 4,4% so với cùng kỳ; khu vực Nhà nước Trung ương ước đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Bắc Kạn (trước khi sáp nhập) ước tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 17,85% so với cùng kỳ và đạt 46,13% kế hoạch năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước tính 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên (trước khi sáp nhập) đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ và đạt 38,5% kế hoạch năm.
Về công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Thái Nguyên đã trình UBND tỉnh các văn bản: Quyết định ban hành Quy định về quản lý, bảo đảm an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo trình tự, thủ tục rút gọn; kiện toàn Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tỉnh Thái Nguyên; Triển khai xây dựng Đề án phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo chuỗi giá trị liên vùng giai đoạn 2026 - 2030;
Sở Công Thương Thái Nguyên đã trình UBND tỉnh các văn bản: Thành lập Cụm công nghiệp Minh Đức 1, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên; điều chỉnh Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thành lập Cụm công nghiệp Quang Sơn 1 (khu A), huyện Đồng Hỷ; điều chỉnh Quyết định số 3406/QĐ- UBND ngày 7/11/2018 và Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên điều chỉnh Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 7/11/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thành lập Cụm công nghiệp Bá Xuyên, xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công; Quyết định số 990/QĐ-UBND ngày 16/5/2025 thành lập Cụm công nghiệp Huyền Tụng 2 tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn (cũ); Quyết định số 2410/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 về việc điều chỉnh Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (cũ); Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 9/1/2025 về việc bãi bỏ Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông tại Quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 16/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (cũ).
Tiếp tục triển khai xây dựng Đề án phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo chuỗi giá trị liên vùng giai đoạn 2026 - 2030; tham mưu văn bản phúc đáp Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo về việc tiêu thụ sản phẩm đồng hành có chứa sắt của mỏ Vonfram - đa kim Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; giám sát diễn tập Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất của Công ty công nghiệp Hóa chất mỏ Thái Nguyên; kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho đối tượng Chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn, người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp, người phục vụ liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Tích cực phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đầu tư vào các cụm công nghiệp; tham mưu trình UBND tỉnh thành lập cụm công nghiệp; ban hành các văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư; đôn đốc UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng tăng cường xúc tiến, giới thiệu, hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp: Có 13 cụm công nghiệp đi vào hoạt động thu hút 75 dự án/cơ sở sản xuất, hiện có 59/75 dự án/cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tình hình triển khai các cụm công nghiệp giai đoạn 2024 đến nay
Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên có 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Đến nay có 29/41 cụm công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích là 1.208 ha; tổng vốn đăng ký là 13.152 tỷ đồng, lũy kế số vốn thực giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng dự ước đến hết tháng 6/2025 đạt khoảng 4.245 tỷ đồng (tăng 161 tỷ đồng so với tháng 5).
Tỉnh Bắc Kạn (cũ) có 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích 676,4 ha; có 8/27 cụm công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 264,9 ha, tổng vốn đăng ký là 2.575 tỷ đồng, trong đó có 1 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và có 1 nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% đất công nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, gia công giày dép với tổng vốn đầu tư 587,5 tỷ đồng (hiện chủ đầu tư đang tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị, dự kiến quý III/2025 đi vào hoạt động sản xuất).
Tổng doanh thu của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp năm 2024 là: 10.612 tỷ đồng; Tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là 11.738 lao động. Nộp ngân sách nhà nước của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp năm 2024 ước khoảng 176 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã hoạt động đạt 56%.
Năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, các cụm công nghiệp đã thu hút được 37 nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất, một số nhà đầu tư đã lập hồ sơ đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (4 dự án), Cụm công nghiệp Tân Dương (1 dự án), Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương (11 dự án), Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (13 dự án), Cụm công nghiệp Tân Phú 1 (5 nhà đầu tư), Cụm công nghiệp Tân Phú 2 (4 Nhà đầu tư), Cụm công nghiệp Quang Sơn 1 (1 Nhà đầu tư). Riêng tháng 4 và 5/2025, Sở Tài chính đã cấp 06 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.747,68 tỷ đồng.
Trong đó, Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 thú hút được 2 Nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích 4,713 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 514,16 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, diện tích đất cho thuê là 12,72 ha/42,84 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 29,69%, đạt mục tiêu kế hoạch.
Cụm công nghiệp Sơn Cầm 1 (Thái Nguyên)
Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương đã thu hút được 05 Nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích 7,51 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.519 tỷ đồng. Ngoài ra, các Nhà đầu tư khác đã ký hợp đồng nguyên tắc với Chủ đầu tư, đang trong quá trình lập hồ sơ đăng ký đầu tư với tổng diện tích 17,35 ha. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, diện tích đất cho thuê (bao gồm cả dự án ký hợp đồng nguyên tắc) là 23,50 ha/51,56 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 45,58%, đạt mục tiêu kế hoạch.
Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương đã thu hút được thêm 04 Nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng với Chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 10,56 ha, vốn đăng ký đầu tư là 2.445 tỷ đồng. Lũy kế thời điểm báo cáo, diện tích đất cho thuê là 13,24 ha/18,43 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 71,84%. Công tác thu hút đầu tư, thẩm định hồ sơ thành lập cụm công nghiệp: Đã mời gọi được 01 Nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Cầu Bình, diện tích đề nghị thành lập là 34,68 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 447,517 tỷ đồng. Hiện Sở Công Thương đã có Văn bản báo cáo trình UBND xin chủ trương thành lập cụm công nghiệp.
6 tháng đầu năm 2025 Sở Công Thương Thái Nguyên đã thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập/mở rộng 4 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Minh Đức 1 (diện tích đề nghị thành lập 67,37 ha, vốn đăng ký đầu tư: 992,84 tỷ đồng); Cụm công nghiệp Lương Sơn 2 (diện tích đề nghị thành lập 68 ha, vốn đăng ký đầu tư: 1.140,641 tỷ đồng; hồ sơ đề nghị mở rộng Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (diện tích đề nghị mở rộng 46,84 ha, vốn đăng ký đầu tư 673,924 tỷ đồng); Cụm công nghiệp Cầu Bình (diện tích đề nghị thành lập là 34,68 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 447,517 tỷ đồng); hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thành lập Cụm công nghiệp Cổ Lũng huyện Phú Lương; có 1 Cụm công nghiệp đang trong quá trình thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Yên Ninh.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Cẩm Giàng, diện tích 43 ha, vốn đăng ký đầu tư 288 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Huyền Tụng 2, diện tích 30 ha, vốn đăng ký đầu tư 389 tỷ đồng và đã thực hiện thẩm định, báo cáo UBND tỉnh thành lập 3 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Tân Tú, Cụm công nghiệp Bình Trung, Cụm công nghiệp Quảng Chu 1) với tổng diện tích 93,5 ha, vốn đăng ký đầu tư 837 tỷ đồng.
Minh Huế
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--tap-trung-phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-sau-sap-nhap-157321.htm