Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nâng tầm kinh tế vùng ven Thủ đô sau sáp nhập

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nâng tầm kinh tế vùng ven Thủ đô sau sáp nhập
12 giờ trướcBài gốc
Định hướng trở thành trung tâm sản xuất điện, điện tử và cơ khí chế tạo trình độ cao
Quyết định số 1029/QĐ-TTg ngày 24/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất điện, điện tử và cơ khí chế tạo trình độ cao.
Theo đó, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đặc biệt tại khu vực phía Nam của tỉnh. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, chíp bán dẫn; công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, luyện kim; công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp may mặc...
Sản xuất thiết bị dây dẫn điện tại Công ty TNHH Woojinqpd Vina tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. (Ảnh Báo Thái Nguyên)
Hiện Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.200 ha, cùng 41 cụm công nghiệp trên 2.000 ha, tạo quỹ đất sạch lớn để thu hút đầu tư công nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thu hút 161 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 67.000 tỷ đồng và 150 lượt dự án FDI cấp mới, điều chỉnh vốn với tổng vốn 2,73 tỷ USD.
Trong những tháng đầu năm 2025, nhiều dự án hạ tầng và sản xuất lớn được khởi công, tiêu biểu như: Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2, Khu công nghiệp Yên Bình 3, cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2, hệ thống đường kết nối các phường Đồng Bẩm, Quang Vinh với xã Cao Ngạn.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những dự án tiềm năng tại Thái Nguyên như dự án Flamingo Majestic Islands Resort đang góp phần hình thành các không gian phát triển mới, gia tăng sức hút đầu tư và thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch phát triển song song với công nghiệp.
Sau sáp nhập với Bắc Kạn (cũ), Thái Nguyên bước vào giai đoạn tái định hình cấu trúc phát triển kinh tế - xã hội, tập trung phát huy lợi thế về quỹ đất, nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng giao thông. Theo các chuyên gia nhận định, việc hợp nhất sẽ phát huy tối ưu tiềm năng hạ tầng giao thông, quy hoạch sử dụng đất và liên kết vùng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư dài hạn.
Quy hoạch tỉnh mới mở ra không gian phát triển liên hoàn, gia tăng dư địa thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển du lịch. Tỉnh xác định trọng tâm quy hoạch các phân khu chức năng hợp lý, hài hòa, bổ sung lợi thế của từng địa phương và tập trung nguồn lực phát triển có trọng điểm.
Quy hoạch tỉnh mới mở ra không gian phát triển liên hoàn, gia tăng dư địa thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển du lịch
Số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Thái Nguyên đạt khoảng 340.000 tỷ đồng, tăng 34% so với giai đoạn trước. Riêng từ năm 2021 đến nay, tỉnh thành lập mới 3.862 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 31.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 11.000.
Đây được xem là những kết quả bước đầu tạo nền tảng vững chắc để Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, xây dựng nền kinh tế hiện đại, hài hòa, đồng thời giữ vững ổn định xã hội và quốc phòng - an ninh.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời là cực phát triển quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các chương trình, kế hoạch chi tiết nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó, phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” được triển khai xuyên suốt, tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Tiếp nối sức hấp dẫn cho đầu tư phát triển cụm công nghiệp
Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 phê duyệt chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2025. UBND tỉnh cũng ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn; Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp và nhiều quy định khác có liên quan trực tiếp đến phát triển cụm công nghiệp.
Tính đến tháng 2/2025, Bắc Kạn có 6 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 186 ha, bao gồm: Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông cũ); Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn cũ); Quảng Chu (huyện Chợ Mới cũ); Vằng Mười (huyện Na Rì cũ); Nam Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn cũ) và Chu Hương (huyện Ba Bể cũ).
Trong đó có 3 cụm được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 cụm do doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, năm cụm được quy hoạch, định hướng và đã có nhà đầu tư thứ cấp thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất giày, dép; chế biến khoáng sản; gỗ nhựa; chế biến gỗ… Riêng cụm công nghiệp Chu Hương được định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhà máy chế biến dược liệu, tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững cho người dân khi tham gia liên kết trồng nguyên liệu.
Tính đến tháng 2/2025, Bắc Kạn (cũ) có 6 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 186 ha
Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tiềm năng của việc đầu tư cụm công nghiệp ở Bắc Kạn đã có nhiều triển vọng. Lộ trình tăng số lượng các cụm công nghiệp cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở hoàn thiện kết cấu hạ tầng để các doanh nghiệp không chỉ thuận lợi về mặt bằng, mà còn thuận lợi về giao thông.
Đến năm 2030, Bắc Kạn sẽ đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 670 ha. Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu nâng tổng diện tích cụm công nghiệp đạt hơn 900 ha. Với kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện, khoảng cách từ các cụm công nghiệp trong tỉnh tới Hà Nội hay Hải Phòng đã được rút ngắn đáng kể về thời gian lưu thông.
Các cụm công nghiệp đã và đang tạo ra sức hấp dẫn cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tại địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Thái Nguyên mới sau khi sáp nhập với Bắc Kạn thúc đẩy phát triển công nghiệp và thu hút thêm các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Minh Huế
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--thu-hut-dau-tu--nang-tam-kinh-te-vung-ven-thu-do-sau-sap-nhap-142791.htm