Thái Nguyên thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em

Thái Nguyên thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em
6 giờ trướcBài gốc
Giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động
Dự án 8 được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Nội dung của Dự án là "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn.
Tuyên truyền về hoạt động của Dự án 8 tại Trường THCS Tân Khánh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên
Thời gian qua, thực hiện các hoạt động của Dự án 8, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, duy trì được 206 Tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 155 lớp tập huấn cho gần 11.000 lượt người tham gia...
Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức 230 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng các nội dung về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, thu hút gần 26.700 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia. Tổ chức 9 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng với 1.350 người tham dự.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên xác định: tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại cùng một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em là bước đi đầu tiên, quyết định sự thay đổi nhận thức tiến tới thay đổi hành động của cộng đồng.
Điểm nhấn trong công tác truyền thông là việc tổ chức các hội thi, liên hoan giao lưu các mô hình trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em...
Đặc biệt, thời gian qua, 206 Tổ truyền thông cộng đồng với 1.942 thành viên, trong đó có 1.050 thành viên là nam giới, đều là các Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng, chính là lực lượng nền tảng, cốt lõi trong công tác tuyên truyền vận động.
Các Tổ truyền thông đã đi sâu vào cộng đồng dân cư, lồng ghép các nội dung tuyên truyền bình đẳng giới vào các cuộc họp chi bộ, họp xóm để vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong Nhân dân, những trường hợp khó khăn thì đến tận nhà để động viên, giúp đỡ.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện bình đẳng giới. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thái nguyên
Ông Nguyễn Văn Thái, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình cho biết: với 210 hộ dân, trên 1.000 nhân khẩu, xóm Đồng Quan có 90% là người dân tộc Sán Dìu, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, để thay đổi được nhận thức của bà con cần có quá trình.
Trước đây ở xóm có những trường hợp uống rượu say đánh đập vợ con, chúng tôi đã đến tận nhà để tuyên truyền, nay đã có thay đổi; tình trạng rượu chè bê tha, bạo lực gia đình cũng không còn nữa. Hay như trước đây nhiều người có tư tưởng thích con trai, nay thì không còn suy nghĩ đó, nhiều gia đình sinh toàn con gái vẫn vui vẻ...
Hoạt động cụ thể, thiết thực
Quá trình thực hiện Dự án 8 vẫn còn những khó khăn, thách thức do một số đối tượng chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ do thiếu thông tin hoặc không đủ điều kiện tham gia; một số người trong cộng đồng còn giữ quan niệm cổ hủ về vai trò của phụ nữ, gây khó khăn cho việc thực hiện bình đẳng giới…
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình đã thay đổi quan niệm và thực hành trong việc phân chia công việc, quyền lợi giữa nam và nữ.
Các hoạt động giáo dục và truyền thông đã khuyến khích trẻ em mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khỏi các cạm bẫy trên môi trường mạng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong cộng đồng. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý và giáo dục. Các chương trình bảo vệ trẻ em đã giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Thúy đánh giá, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai đi vào cuộc sống, đã tạo ra những phong trào mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể và quần chúng Nhân dân. Qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai các mô hình, phong trào, góp phần triển khai hiệu quả Dự án 8.
Ngoài ra, Dự án 8 giúp nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để đạt được những mục tiêu bền vững hơn trong tương lai, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực, cải thiện nhận thức cộng đồng và tạo ra những hoạt động hiệu quả hơn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu chính của Dự án là cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu bất bình đẳng giới và nâng cao vị thế của họ trong xã hội – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên nêu rõ.
Vũ Quang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thai-nguyen-thuc-day-binh-dang-gioi-va-giai-quyet-cac-van-de-cap-thiet-voi-phu-nu-tre-em-post397379.html