Đường tránh dưới chân cầu Rạch Chiếc được hình thành cách đây hơn chục năm nhằm phục vụ cho việc xây dựng cầu Rạch Chiếc (mới) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của cư dân khu vực lân cận.
Tuy nhiên, sau khi cầu Rạch Chiếc hoàn thành và được đưa vào sử dụng vào năm 2016, tuyến đường này vẫn tồn tại và nhiều phương tiện giao thông đã chọn đi đường này để tránh trạm thu phí cầu Rạch Chiếc.
Trạm thu phí cầu Rạch Chiếc
Để giải quyết tình trạng xe trốn phí, đơn vị quản lý trạm thu phí đã thực hiện nhiều biện pháp như đặt bảng cấm, dùng bê-tông chặn đường rẽ ... thậm chí phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt xe né trạm thu phí. Dù vậy, tình trạng các phương tiện giao thông né trạm thu phí vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí nhiều xe còn chọn giải pháp đi ngược chiều để né trạm.
Trước đây nhiều phương tiện đã chọn cách đi ngược chiều để né trạm thu phí.
Trước khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã tổ chức rào chắn lại tuyến đường này để chuyển đổi thành mảng xanh. Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, việc chuyển đổi này nhằm tăng cường mảng xanh của tuyến metro số 1 do đường tạm này thuộc hành lang trồng mảng xanh dọc đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1.
Bên cạnh việc xóa tuyến đường tạm, cơ quan chức năng đã gắn các biển báo hướng dẫn người dân lưu thông ra đường Võ Nguyên Giáp.
Theo một số người dân sống gần khu vực trạm thu phí cầu Rạch Chiếc, từ ngày xóa đường tạm, tình trạng các phương tiện giao thông né tránh trạm thu phí đã hoàn toàn chấm dứt.
Chùm ảnh đường tránh trạm thu phí thành thảm cỏ xanh:
Con đường tạm đã bị chặn lại để làm thảm cỏ cho tuyến metro số 1
Bảng báo công trình đang thi công
Những bao tải đất được tập kết
Công nhân đang trải đất và trồng cỏ trên nền đường cũ
Và những thảm cỏ đã dần hình thành
Từ khi có thảm cỏ, tình trạng phức tạp về giao thông khu vực dưới chân cầu Rạch Chiếc cũng được giải quyết
Trọng Thịnh