Thăm đền Bình Kính, nghe chuyện người mở cõi Phương Nam

Thăm đền Bình Kính, nghe chuyện người mở cõi Phương Nam
4 giờ trướcBài gốc
Trong chuyến du xuân đầu tiên trên mảnh đất Biên Hòa, chúng tôi chọn địa điểm thăm đình Bình Kính, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) để có khoảng lặng thời gian ngược về quá khứ tìm hiểu lịch sử của vùng đất Biên Hòa.
Đền Nguyễn Hữu Cảnh ngay bên dòng sông Đồng Nai
Toàn cảnh đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa)
Giới thiệu với chúng tôi, các vị bô lão của làng cho biết: Miếu Bình Kính được hình thành vào đầu thế kỷ thứ XVIII ở phía nam Cù Lao Phố, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm từ vách ván, mái ngói. Sau này, người dân cải miếu thành đình, thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh làm phúc thần của làng xã để bày tỏ lòng biết ơn vì công lao to lớn của ông. Thời vua Gia Long đã cho trùng tu lại đền và cắt cử 10 từ phu trông coi, chăm sóc.
Ngôi đình tọa lạc giữa khu đất bằng phẳng, rộng rãi, ở vị trí đắc địa, gần bờ sông Đồng Nai hướng về phía Tây Nam trông ra cầu Ghềnh, nhìn qua bờ bên kia đền thờ Nguyễn Tri Phương.
Trong cuốn Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức đã miêu tả: "Miếu võ trang nghiêm" xây dựng trên một địa điểm địa linh, trước mặt đền ngó xuống sông Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thủy thành, dưới đấy có con cá gáy hấp gió, gỡn sóng, bơi lượn ra vào, khi gió mưa nước chọi vào đá vang ồ ạt, sóng dậy chập chờn, thanh oai lẫm liệt.
Bên trong đền thờ, còn bảo lưu những hàng cột lớn với nhiều hoành phi đại tự, trên thượng đỉnh bức vách, giữa cung nghiêm chữ "Thần" thật to, hai bên có đôi hạc đứng hầu.
Khi vua Gia Long lên ngôi đã cho trùng tu, cắt cử 10 mộ phu trông coi, hàng năm đều xuất quỹ công tế lễ vào ngày giỗ. Đến năm 1851, vua Tự Đức cấp 400 quan tiền sửa chữa. Nhưng rồi sau đó đền chịu chung số phận như Nông Nại Đại Phố cuối thế kỷ XVIII khói hương lãnh đạm. Sau này, dưới thời đô hộ của Pháp, đền thờ dần hợp với đình làng để rồi thành đình Bình Kính.
Kiến trúc ngôi đình hiện nay còn bảo lưu những hàng cột lớn với nhiều hoành phi đại tự, trên thượng đỉnh bức vách, giữa cung nghiêm chữ "Thần" thật to, hai bên có đôi hạc đứng hầu. Trên các hương án những nét chạm khắc tinh xảo bằng gỗ có niên đại 1923, 1927 và 1928. Do nhiều lần trùng tu nên hiện nay đền không còn như xưa.
Di chuyển vào trong, cung nghiêm bên phải có chiếc tủ kính nhỏ trưng bộ áo mão và đôi hia đã bạc màu theo thời gian. Khi chúng tôi bày tỏ sự háo hức muốn tìm hiểu, ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng Ban Quý tế đình có giải thích thêm: "Bộ mão gồm mão mão (mũ), cân đai, hia (hài), áo đủ 4 bộ (4 lớp áo trong 1 lần mặc).
Còn về nguồn gốc bộ áo mão làm từ khi nào chúng tôi không rõ, chỉ nghe các vị cao niên kể lại rằng bộ áo mão này khi còn sống Đức Ông thường hay mặc nên trải qua bao đời, với sự tôn kính vô biên dành cho ông, người dân nơi đây luôn nhắc nhở nhau phải bảo quản như một một vật báu, mỗi năm vào dịp giỗ đức ông, Ban Quý tế sẽ làm lễ xin phép ông được đưa áo mão xuống để kiểm tra, bảo dưỡng.
Chúng tôi đi theo đoàn tham quan, chị hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: Ngược dòng lịch sử mùa Xuân năm Mậu Dần (1698) Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược vùng đất Nam Bộ, thiết lập chế độ hành chính và sát nhập vùng đất phía Nam lãnh thổ nước ta.
Sáu cột phía trước đền thờ cũng được trang trí hình rồng thể hiện tài năng của các nghệ nhân ở Biên Hòa. Hình rồng luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc...
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch. Được biết, năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 69 tỉ đồng để mở rộng, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép: Tháng hai năm 1698, đoàn thuyền chiến cặp bờ Nam Đàng Trong. Lần này với chức Thống suất kinh lược, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã quyết định đặt bản doanh trại tại Cù Lao Phố để tiện quan sát tiến hành việc định vùng an dân". Chính tại đây, ông đã bắt tay vào việc tổ chức hành chính, lập làng, xã, thôn, xóm tạo cơ sở cho việc phát triển vùng đất Đồng Nai. Đến năm 1699, khi hoàn thành sứ mệnh dẹp loạn ở miền biên giới phía Tây, khi trở về, Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh và mất tại Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho).
Theo ý nguyện của ông, các tướng sĩ tiếp tục đưa thi hài của ông về Trấn Biên. Tại đây, nhân dân đã lập lăng mộ uy nghi nằm gò Y Lăng (tràm) nơi cao ráo phía nam Cù Lao Phố, cách ngôi đình vài trăm mét. Hiện nay, ngôi mộ đã được trùng tu nhiều lần và được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.
Minh Nguyên-Nguyễn Tuấn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tham-den-binh-kinh-nghe-chuyen-nguoi-mo-coi-phuong-nam-196250201090543191.htm