Ngôi nhà “Hồng Anh Thư Quán” được xây dựng vào đầu thế kỷ XX dưới thời chủ quận Metaye người Pháp, là một căn trong dãy nhà lầu 2 tầng được làm nhà hàng, phòng ngủ có tên Á Châu. Trải qua thăng trầm thời gian, đến nay di tích vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà gốc, vẹn nguyên giá trị lịch sử.
Ðoàn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tìm hiểu về các bậc tiền nhân tham gia hoạt động cách mạng, qua hình ảnh được trưng bày tại Di tích Hồng Anh Thư Quán.
Chia sẻ về giá trị lịch sử của Di tích Hồng Anh Thư Quán, ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử, cho biết: "Tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở Cà Mau được thành lập, với nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Trong phong trào đấu tranh đó, Chi hội mở hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” bán các loại sách báo tiến bộ đương thời được xuất bản tại Sài Gòn. Thực chất đây là bình phong cho phong trào dân chủ, là điểm hội họp của nhiều người yêu nước. Sau một thời gian hoạt động tích cực, Hồng Anh Thư Quán đã gây ảnh hưởng tư tưởng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, tạo tiền đề chính trị cho sự ra đời của các cơ sở Ðảng Cộng sản sau này, với ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong trong phong trào cách mạng tại Cà Mau".
Những kỷ vật được bảo quản kỹ lưỡng tại di tích Hồng Anh Thư Quán.
Di tích lịch sử Hồng Anh Thư Quán được tỉnh quan tâm, đầu tư tôn tạo, bảo tồn, tạo cảnh quan, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Tại di tích, vào các dịp lễ kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các cán bộ, đảng viên, người dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên thường về đây để ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương Cà Mau.
Nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), rất đông đoàn viên, thanh niên về thăm địa chỉ đỏ này.
Chị Mã Mỹ Khanh, giáo viên tiếng Anh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, chia sẻ: “Trước đây tôi cũng biết về Di tích Hồng Anh Thư Quán, nhưng chỉ biết rằng nơi đây là quán bán cà phê thời Pháp thuộc, nhưng giờ nghe bác Sáu Sơn kể thì biết rõ hơn. Càng hiểu nhiều, tôi càng tự hào hơn về lịch sử dân tộc và quý trọng, biết ơn sự hy sinh của các thế hệ ông cha cho nền độc lập, tự do hôm nay”.
Theo bạn Trịnh Minh Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: “Thế hệ trẻ hôm nay ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều đoàn viên chưa hiểu sâu, nắm kỹ về lịch sử của tỉnh. Thế nên, với vai trò cán bộ Ðoàn, khi có điều kiện là tôi kết nối với các đơn vị để tổ chức hoạt động về nguồn, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của đơn vị”.
Kim Cương