Theo khuyến cáo từ các chuyên gia giáo dục, thí sinh cần tìm hiểu kỹ xem các trường ĐH sử dụng phương thức nào và số lượng chỉ tiêu ra sao để có quyết định phù hợp.
Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức trong tháng 1 vừa qua đã chính thức khởi động cho các kỳ thi riêng để xét tuyển vào ĐH năm 2025. Kỳ thi này thu hút gần 14.000 thí sinh tham dự. Và ngay trong những ngày đầu của tháng 2, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục mở cổng đăng ký thi đánh giá tư duy đợt 2 (từ ngày 1 - 6/2). Dự kiến đợt thi này khoảng 20.000 thí sinh đăng ký. Thí sinh đợt 2 sẽ dự thi vào ngày 8 - 9/3 ở 13 tỉnh, thành.
Thí sinh dự thi đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC
PGS.TS Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, thông thường các đợt thi càng về sau thì số lượng thí sinh đăng ký càng đông. Tương ứng con số đợt 3 nhà trường dự kiến khoảng 25.000 em. Nhà trường cũng đã có phương án dự phòng quá tải. Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, tổng kết từ đợt thi thứ nhất vừa qua, phổ điểm cho thấy tương đồng với các đợt thi đánh giá tư duy trước đó của ĐH Bách khoa Hà Nội về phân bố điểm chuẩn, điểm trung vị ở mức ổn định (khoảng 53 - 54 điểm). Như vậy các thí sinh học theo chương trình THPT mới hay cũ vẫn làm bài thi đánh giá tư duy tương đương nhau.
Theo thống kê, ngoài ĐH Bách khoa, còn có 6 kỳ thi riêng khác để tuyển sinh ĐH năm 2025. Bao gồm: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 6 đợt, bắt đầu từ tháng 3. Đây là một trong những kỳ thi riêng lớn nhất cả nước. Khoảng 90 trường ĐH sử dụng điểm thi này để xét tuyển đầu vào; Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Kỳ thi này có quy mô lớn nhất cả nước, với gần 107.000 thí sinh tham gia vào năm 2024. Hơn 100 trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển. Trong năm 2025, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục tổ chức thi kỳ thi với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và 1/6 tại 25 tỉnh, thành phố; Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội diễn ra vào ngày 17 - 18/5. Có 22 trường ĐH dự kiến dùng điểm thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội để tuyển sinh đầu vào năm 2025, tăng 13 trường so với năm 2024; Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường ĐH Sư phạm TPHCM. Mùa tuyển sinh vừa qua, 6 trường sư phạm đã dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào, gồm: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, các trường sư phạm trực thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Vinh.
Ngoài ra, kể từ năm 2025, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội. Thí sinh làm bài thi trên máy tính. Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường khối ngành Công an cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và lấy kết quả bài thi này để xét tuyển đầu vào. Bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an gồm cả phần thi trắc nghiệm và tự luận.
Việc tham gia kỳ thi riêng giúp thí sinh tăng cơ hội vào ĐH, giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được người học quan tâm. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý điểm mới khi tham gia các kỳ thi riêng để bảo đảm hiệu quả, tránh lãnh phí. Theo cô Phương Hà - giáo viên Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội), để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh cần học nhiều hơn. Trong khi đó, các kỳ thi riêng đều diễn ra vào học kỳ II, chặng nước rút của kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu quá chú trọng vào các kỳ thi riêng, sẽ dẫn tới chủ quan, lơ là với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, thí sinh cần hiểu rõ ý nghĩa của từng kỳ thi để lựa chọn, quyết định đăng ký tham gia nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất, tránh lợi bất cập hại. Dù có trúng tuyển kỳ thi riêng, học sinh vẫn cần phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khuyến cáo, thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng. Tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi riêng ở mỗi trường cũng khác nhau, thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đăng ký để tránh lãng phí và không đạt hiệu quả. Đây là giai đoạn nước rút, thí sinh cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu không đủ điều kiện tốt nghiệp thì các em cũng sẽ mất cơ hội tham gia xét tuyển ĐH.
Dung Hòa