BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, nhưng vẫn rất nhỏ bé so với các định chế tài chính quốc tế.
Cơ hội lớn mạnh và áp lực cạnh tranh cùng các ông lớn
Thành lập trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam là chủ trương đúng đắn. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ “lỡ cơ hội”. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng cơ hội mà TTTC quốc tế mang lại đang là câu hỏi đặt ra cho các định chế tài chính và doanh nghiệp trong nước.
Bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) cho rằng, khi tham gia TTTC quốc tế, các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính, cũng như có cơ hội chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, nâng cao hệ số tín nhiệm.
“Hiện nay, dịch vụ ngân hàng không chỉ đơn thuần là thanh toán, chuyển tiền, mà phải cung cấp cả hệ sinh thái. Tham gia TTTC quốc tế thì phải nâng cấp hệ sinh thái tài chính hơn nữa, đồng thời áp dụng tất cả công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về ngân hàng mở, điện toán đám mây, AI, tài chính xanh… Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải nâng cao năng lực quản trị. Có thể, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các ngân hàng muốn tham gia TTTC quốc tế phải tuân thủ một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế, như báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế, áp dụng Basel II nâng cao…”, bà Thu Ba cảnh báo.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, nhưng vẫn còn rất nhỏ bé nếu so với các định chế tài chính lâu đời trên thế giới. Trong khi đó, nếu như tham gia TTTC quốc tế, BIDV sẽ phải cạnh tranh trong cùng không gian, cùng khung khổ pháp lý với các ông lớn này. Do đó, bà Thu Ba thừa nhận, nếu các ngân hàng Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng, thì ngân hàng Việt rất khó cạnh tranh tại TTTC quốc tế, thậm chí có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Không chỉ nhỏ bé về quy mô, theo các ngân hàng thương mại, ngân hàng Việt Nam còn phải đối mặt với khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và khả năng tích hợp số. Thời gian gần đây, các ngân hàng Việt Nam rất tích cực trong thu thập dữ liệu, đẩy nhanh số hóa, song so với các ngân hàng lâu đời trên thế giới, nhiều công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, đặc biệt là dịch vụ và hạ tầng thanh toán xuyên biên giới.
Nói cách khác, rủi ro bị “quốc tế hóa áp lực”, song lại chưa đủ “quốc tế hóa năng lực cạnh tranh” là hiện hữu đối với các ngân hàng muốn tham gia TTTC quốc tế.
Mặc dù áp lực cạnh tranh rất lớn, song theo theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, đây cũng là động lực để ngân hàng Việt phát triển.
“Việc phát triển các định chế tài chính, gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong TTTC quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước tăng trưởng và phát triển an toàn, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ ngân hàng theo hướng tiệm cận các định chế tài chính nước ngoài”, ông Lệnh nói.
Theo các chuyên gia, để tham gia TTTC quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước phải tự “nâng tầm”, không chỉ để đáp ứng tiêu chí trở thành thành viên của TTTC quốc tế, mà còn để cạnh tranh với các định chế tài chính toàn cầu. Một khi đáp ứng được tiêu chí và tham gia TTTC quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Ngân hàng cần đa dạng sản phẩm để cạnh tranh
Nhiều ngân hàng lớn đang tích cực chuẩn bị để tham gia sân chơi TTTC quốc tế.
Bà Trương Thị Thu Ba cho rằng, Việt Nam có lực lượng nhân sự chất lượng cao, đội ngũ lập trình đông đảo… Vì vậy, các ngân hàng cần tận dụng lợi thế này để cung cấp dịch vụ tài chính cho TTTC quốc tế (như hạ tầng thanh toán, định danh số, chấm điểm tín dụng bằng AI…). Đồng thời, ngành ngân hàng cũng cần phải xác định lộ trình, mục tiêu cụ thể cho mỗi giai đoạn.
Tham gia TTTC quốc tế, các định chế tài chính cung cấp dịch vụ truyền thống không nhiều, mà chủ yếu hướng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc thắt chặt quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra.
Hiện nay, theo thông lệ, các định chế tài chính thành lập trong TTTC quốc tế sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn kế toán quốc tế, tuân thủ chuẩn mực các quy định an toàn theo thông lệ quốc tế. Theo đó, tới đây, các định chế tài chính Việt Nam được thành lập trong TTTC quốc tế, về nguyên tắc, cũng sẽ áp dụng theo thông lệ quốc tế.
- Ông Nguyễn Đức Long, Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Riêng với BIDV, bà Thu Ba cho biết, Ngân hàng xác định, trong giai đoạn đầu tham gia TTTC quốc tế sẽ không chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống, mà còn cả các dịch vụ số công nghệ cao, không chỉ dịch vụ thông thường, mà cả các dịch vụ outsource (thuê ngoài). Hiện tại, BIDV có đội ngũ 1.000 nhân viên công nghệ và đang có kế hoạch nâng lên 1.400 người trong năm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng phòng Kinh doanh vốn (Khối Kinh doanh vốn và thị trường của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank) thừa nhận, hiện tại, thị trường tài chính Việt Nam chủ yếu vẫn là các sản phẩm cơ bản, trong khi các sản phẩm cấu trúc và phái sinh còn phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam, song lại phải sử dụng các sản phẩm phái sinh tại Singapore để ngăn ngừa rủi ro, bảo vệ dòng vốn đầu tư tại Việt Nam.
“Cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường”, ông Khôi kiến nghị.
Cũng theo đại diện VietinBank, khi xây dựng TTTC quốc tế, Việt Nam nên thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số… tiệm cận mô hình của các TTTC quốc tế. Việc xây dựng sàn hàng hóa tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như nông sản.
“VietinBank sẽ tiên phong cung cấp dịch vụ phái sinh giá cả hàng hóa cho thị trường Việt Nam”, ông Khôi khẳng định.
Hà Tâm