Chuyến thăm 3 ngày theo kế hoạch của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tới Greenland diễn ra chưa đầy 1 tuần sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tới đây.
Trái ngược lại thái độ lạnh nhạt với Phó tổng thống Mỹ, lần này Thủ tướng mới của Jens-Frederik Nielsen, người đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng trước và sẽ thành lập chính phủ liên minh, hoan nghênh chuyến đi của bà Frederiksen.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: People
Bà Aaja Chemnitz, thành viên quốc hội Đan Mạch đại diện cho Greenland, cho biết: “Thủ tướng Đan Mạch rất được chào đón. Chúng tôi đã yêu cầu những tiếng nói bên ngoài có mặt ở đây và ủng hộ Greenland để đảm bảo rằng áp lực được gỡ bỏ. Chúng tôi cần bạn bè, không chỉ từ cả Đan Mạch, mà còn từ các nước Bắc Âu và Liên minh châu Âu”.
Trong khi đó, chuyến thăm cũng nhận được sự ủng hộ từ phía người dân Grin-len, bà Susanne chia sẻ: “Chuyến thăm của Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen rất quan trọng vì chúng tôi cần Đan Mạch hỗ trợ quân sự và chúng tôi cần tìm ra một thỏa thuận với Mỹ cùng với Đan Mạch".
Mối quan hệ giữa Greenland và Đan Mạch từng trở nên căng thẳng sau những tiết lộ trong những năm gần đây về sự ngược đãi lịch sử đối với người Greenland dưới thời cai trị của thực dân. Tuy nhiên, mối quan tâm của Tổng thống Mỹ Trump trong việc biến hòn đảo này thành một phần của Mỹ đã thúc đẩy Đan Mạch đẩy nhanh cải thiện quan hệ với hòn đảo này.
Trong chuyến thăm căn cứ quân sự Mỹ ở phía bắc Greenland diễn ra hôm 28/3 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Vance đã cáo buộc Đan Mạch không làm tốt công tác bảo vệ hòn đảo này và đề xuất Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát Greenland để đối phó với các mối đe dọa.
Phản ứng lại nhận định trên, bà Frederiksen, người cho rằng người dân Greenland phải tự quyết định tương lai của mình, gọi mô tả của Phó tổng thống Mỹ Vance về Đan Mạch là “không công bằng”.
Việc liên tiếp đón các nhà lãnh đạo thăm trong thời gian ngắn, thì khu tự trị Greenland đang cho thấy vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng này hứa hẹn sẽ là trung tâm cạnh tranh ảnh hưởng các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Hoàng Nguyễn /VOV1 (biên dịch) Theo Reuters