Thảm họa công nghiệp 40 năm chưa thể nguôi ngoai nỗi đau – Kỳ cuối

Thảm họa công nghiệp 40 năm chưa thể nguôi ngoai nỗi đau – Kỳ cuối
12 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, Dow kiên quyết từ chối việc xử lý hậu quả khu vực nhà máy Union Carbide tại Bhopal. Họ cũng không cung cấp nước sạch an toàn, không bồi thường cho nạn nhân, và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào về độc tính của methyl isocyanate (MIC) cho cộng đồng y tế Ấn Độ.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Động vật chết sau thảm họa tại Bhopal năm 1984. Ảnh: India Today
Union Carbide xây dựng nhà máy tại Bhopal vào những năm 1970, với dự tính rằng Ấn Độ là thị trường khổng lồ chưa được khai thác. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đạt kỳ vọng của công ty. Nông dân Ấn Độ phải vật lộn để đối phó với hạn hán và lũ lụt, do đó không có tiền để mua sản phẩm của Union Carbide. 15 năm trước khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, Union Carbide thường xuyên đổ chất thải hóa học cực độc tại các địa điểm bên trong và bên ngoài nhà máy. Hàng nghìn tấn thuốc trừ sâu, dung môi, chất xúc tác và sản phẩm phụ nằm rải rác trên 6 ha bên trong nhà máy. Các ao bao phủ 14 ha bên ngoài nhà máy cũng chứa đến hàng nghìn lít chất thải lỏng.
Nhà máy của Union Carbide tại Bhopal chưa bao giờ đạt được công suất sản xuất tối đa, trở thành dự án thua lỗ và bị đóng cửa vào đầu những năm 1980. Một lượng lớn hóa chất nguy hiểm bị bỏ mặc tại địa điểm này. Ba bồn khổng lồ vẫn tiếp tục chứa hơn 60 tấn MIC nguy hiểm.
Mặc dù MIC là một loại khí đặc biệt không ổn định, nhưng các hệ thống an toàn của Union Carbide bị rơi vào tình trạng hư hỏng và không còn hiệu quả. Có vẻ như ban quản lý nhà máy đã chủ quan nghĩ rằng ngừng sản xuất đồng nghĩa với hết nguy cơ.
Nguyên tắc pháp lý "người gây ô nhiễm phải trả tiền" được áp dụng ở Ấn Độ nhưng Union Carbide và công ty mẹ Dow, đã từ chối bồi thường cho thảm họa môi trường tại Bhopal. Năm 1989, Union Carbide đồng ý trả 470 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa, động thái này nằm trong thỏa thuận một phần dàn xếp ngoài tòa án với chính phủ Ấn Độ. 90% nạn nhân được nhận được tối đa 500 USD/người, chỉ đủ để chi trả chi phí y tế trong 5 năm.
Năm 1991, hệ thống tư pháp hình sự của Ấn Độ đã buộc tội ông Warren Anderson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Union Carbide vào thời điểm xảy ra thảm họa, tội danh "ngộ sát có chủ ý nhưng chưa cấu thành tội giết người".
Nếu bị kết án ở Ấn Độ, ông Warren Anderson sẽ phải đối mặt với mức án tù tối đa là 10 năm. Ông Anderson chưa bao giờ ra hầu tòa. Tòa án Mỹ không đưa ra phản hồi nào trong suốt ba năm rưỡi đối với yêu cầu dẫn độ do phía Ấn Độ gửi. Vào tháng 9/2014, vài tháng trước thời điểm đánh dấu mốc 30 năm xảy ra thảm họa, ông Warren Anderson qua đời ở tuổi 92 tại một viện dưỡng lão ở Florida.
Union Carbide phải đối mặt với cáo buộc tội ngộ sát. Giống như ông Warren Anderson, tập đoàn này không ra hầu tòa tại Ấn Độ, các cáo buộc đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Dow và Union Carbide sáp nhập vào năm 2001. Dow đã được triệu tập ra tòa ít nhất 6 lần tại Bhopal để giải thích về việc Union Carbide liên tục vắng mặt. Công ty đã phớt lờ cả 6 thông báo này. Union Carbide vẫn phải chịu trách nhiệm về thảm họa môi trường ở Bhopal. Và những trách nhiệm này đã được chuyển giao cho Dow.
Một số cổ đông của Dow từng cố gắng ngăn chặn thương vụ sáp nhập, vì theo luật doanh nghiệp hiện hành, một công ty khi mua lại công ty khác sẽ thừa hưởng cả tài sản lẫn nợ phải trả của công ty đó.
Thực tế, ngay sau khi mua lại Union Carbide, Dow đã dàn xếp một vụ kiện tại Mỹ, chi trả 2,2 tỷ USD để bồi thường cho những người sống tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc Union Carbide sử dụng amiăng trong các sản phẩm cũ. Tuy nhiên, Dow vẫn khẳng định họ không phải chịu trách nhiệm đối với vụ bê bối của Union Carbide tại Bhopal.
Nỗ lực xoa dịu nỗi đau
Một góc Bhopal năm 2002, bao gồm cả nhà máy của Union Carbide. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế
Thảm họa Bhopal đã trở thành bước ngoặt thúc đẩy hàng loạt nỗ lực bảo vệ môi trường từ phía chính phủ Ấn Độ, bao gồm Đạo luật Bảo vệ Môi trường năm 1986. Đạo luật này tạo ra khung pháp lý để chính phủ xử lý các vấn đề môi trường, từ chất ô nhiễm cho tới chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước vẫn khiến nhiều nạn nhân sống sót lo ngại về nguy cơ tái diễn thảm họa “Bhopal thứ hai”. Theo France 24 (Pháp), báo cáo năm 2024 của Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xếp các tai nạn công nghiệp là rủi ro lớn thứ ba đối với hoạt động kinh doanh của quốc gia này.
Vào tháng 1 vừa qua, Ấn Độ cho biết họ đã di dời hàng trăm tấn chất thải nguy hại còn sót lại hơn 40 năm sau thảm họa ở thành phố Bhopal. Một đoàn xe tải đã vận chuyển 337 tấn chất độc đó đến một nhà máy xử lý chất thải ở thị trấn công nghiệp Pithampur của bang Madhya Pradesh, cách Bhopal 230 km.
Ông Swatantra Kumar Singh, giám đốc Cơ quan Cứu trợ và Tái thiết thảm họa khí độc Bhopal, nói với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng chất thải sẽ được xử lý theo cách an toàn với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái địa phương.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/tham-hoa-cong-nghiep-40-nam-chua-the-nguoi-ngoai-noi-dau-ky-cuoi-20250514175127987.htm