Thảm họa không chỉ do giông lốc

Thảm họa không chỉ do giông lốc
12 giờ trướcBài gốc
Chiều 19/7, tại Hạ Long - viên ngọc xanh của du lịch Việt Nam - tàu du lịch Vịnh Xanh QN 7105 chở 49 hành khách và thuyền viên bất ngờ bị lật úp giữa cơn giông. Đến chiều 20/7, có 10 người được cứu sống, hơn 35 người chết và 4 người vẫn mất tích. Chuyến du lịch trong mơ hóa thành bi kịch tang thương.
Giông lốc có thể là điều không ai kiểm soát được. Nhưng điều có thể và lẽ ra phải làm là không để tàu rời bến khi đã có cảnh báo thời tiết xấu có thể xảy ra. Là diễn tập nghiêm túc tình huống khẩn cấp thay vì “làm cho có”. Là đặt sự sống con người lên trên trải nghiệm “thoải mái” hay một chuyến đi đúng giờ.
Cũng ngày 19/7, cách Hạ Long hàng trăm cây số, một tàu du lịch ở biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) cũng gặp giông lớn, bị sóng đánh chìm. Nhưng lần này, cả 34 người đều sống sót. Vì thuyền viên hướng dẫn rõ ràng, bình tĩnh. Vì lực lượng biên phòng và người dân phối hợp ứng cứu kịp thời.
Cùng là sóng dữ, nhưng Hạ Long là bi kịch, Thiên Cầm là bài học.
Tai nạn ở Hạ Long không phải lần đầu. Nếu không thay đổi, chắc chắn sẽ không phải là lần cuối. Bởi điều nguy hiểm hơn giông lốc là tâm lý “lâu nay có sao đâu”. Là những con tàu đều đặn rời bến đôi khi còn coi nhẹ mặc áo phao, coi nhẹ quy trình an toàn. Là thói quen “rút kinh nghiệm” rồi để đó.
Không thể mãi đổ lỗi cho thời tiết. Cũng không thể coi cái chết của hàng chục người là “tai nạn nghề nghiệp”. Bởi khi khách đặt chân lên tàu, họ giao phó tính mạng cho người tổ chức hành trình. Nếu đơn vị tổ chức không đủ năng lực, không đủ trách nhiệm, không đặt sự sống lên trên lợi nhuận thì chính họ là người phải chịu phần lớn trách nhiệm khi bi kịch xảy ra.
An toàn không phải là khẩu hiệu treo ở đuôi tàu. Đó phải là hành động cụ thể từ kiểm tra kỹ thuật trước giờ khởi hành, buộc mặc áo phao, đến huấn luyện thoát hiểm, và quy trình ứng cứu thực tế. Nếu còn xem nhẹ những điều đó, nếu còn để mỗi chiếc áo phao chỉ là vật dụng trưng bày thì mỗi cơn gió trên biển đều có thể trở thành hung thần.
Nước ta có hơn 3.000 km bờ biển, hàng nghìn sông ngòi, kênh rạch là thiên đường du lịch sông nước. Nhưng nếu không đi cùng văn hóa an toàn, những gì đẹp nhất cũng có thể trở thành nơi gieo rắc mầm họa. Chúng ta không thể phát triển du lịch bằng sự may rủi. Càng không thể để sinh mạng con người phải trả giá cho những chuyến đi được tổ chức hời hợt.
Biển rồi sẽ lại lặng. Giông lốc rồi sẽ qua. Nhưng những mái nhà mất người thân thì không thể lành lại như xưa. Tuổi thơ của những đứa trẻ mất cha mẹ cũng không thể nguyên vẹn thêm một lần nào nữa. Nếu ngành du lịch từ người cầm lái đến người cấp phép không nhìn thẳng vào phần trách nhiệm của mình, thì sự bình yên ngày mai chỉ là mặt nước phẳng lặng trước một “cơn bão” khác đang âm thầm hình thành.
Thảm họa ở Hạ Long không chỉ là một nỗi đau. Nó là lời cảnh tỉnh rằng đã đến lúc chúng ta không thể coi an toàn là chuyện bên lề. Khi mạng người có thể bị cướp đi chỉ bởi một cơn giông, thì mỗi đơn vị tổ chức du lịch cần hiểu sứ mệnh của họ không chỉ là đưa khách đến nơi đẹp mà là đưa họ trở về an toàn.
Đức Sơn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tham-hoa-khong-chi-do-giong-loc-10310783.html