Đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN
Lý giải về tình trạng này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nguyên nhân phần lớn là do các yếu tố đột xuất, trong đó có việc điều chỉnh các khoản thanh toán phúc lợi và hoãn thu thuế do thiên tai trong năm 2023.
Kết quả ngân sách trong tháng 10 - tháng đầu tiên của tài khóa 2025 tại Mỹ, được đưa ra sau mức thâm hụt 1.830 tỷ USD của tài khóa 2024. Đây là thâm hụt ngân sách lớn nhất mà Mỹ ghi nhận ngoài giai đoạn đại dịch COVID-19. Trước đó, trong tài khóa 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, thâm hụt ngân sách đã lên tới 3.100 tỷ USD do khoản chi tiêu cứu trợ COVID-19 khổng lồ.
Báo cáo cho thấy trong tháng 10 vừa qua, thu ngân sách liên bang giảm 19% xuống còn 327 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tăng 24% lên 584 tỷ USD. Theo đó, chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và quân sự đều tăng, song chi phí dịch vụ nợ công của kho bạc đã giảm nhẹ 8% xuống còn 82 tỷ USD - đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2023 khi lãi suất bắt đầu tăng.
Trong khi đó, trả lãi nợ công tăng 4 tỷ USD so với tháng 10 năm ngoái, lên 80 tỷ USD. Điều này càng làm dấy lên lo ngại khi trả lãi là khoản chi lớn nhất của Chính phủ Mỹ sau an sinh xã hội, với tổng số tiền lãi phải trả vượt 1.000 tỷ USD trong năm 2023.
Mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất thành lập một cơ quan mới là Bộ Hiệu quả chính phủ nhằm cắt giảm chi tiêu liên bang. Tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy đã được chỉ định để phụ trách sáng kiến này. Trước đó, ông Musk cam kết sẽ giúp ngân sách liên bang cắt giảm ít nhất 2.000 tỷ USD nếu ông Trump đắc cử.
Linh Tô (TTXVN)