Thảm kịch động đất tại Myanmar: Nghĩa trang đầy thi thể, mùi tử khí bao trùm

Thảm kịch động đất tại Myanmar: Nghĩa trang đầy thi thể, mùi tử khí bao trùm
một ngày trướcBài gốc
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), tại một nghĩa trang ở Sagaing, thành phố tại tâm chấn của trận động đất hôm 28/3, các thi thể đang dần chất thành đống. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đến nỗi không thể chịu đựng được. Giữa khung cảnh hoang tàn, Myanmar nay còn phải đối mặt với thách thức chôn cất hàng nghìn nạn nhân thiệt mạng sau thảm họa.
Aye Moe, một cư dân 20 tuổi của thành phố, chia sẻ trong nỗi kinh hoàng: “Từ hôm qua, thi thể đã bắt đầu bốc mùi. Nhưng hôm nay, không từ ngữ nào có thể diễn tả nổi. Các đội cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận và các thi thể vẫn nằm rải rác trong thành phố”.
Trong khi đó, con số thương vong tiếp tục tăng. Số liệu chính thức cho thấy trên 2.000 người đã thiệt mạng, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể lên đến hàng chục nghìn. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cũng đưa ra ước tính rằng số người tử vong có thể vượt mốc 10.000.
“Họ phải chôn cất 10 thi thể trong cùng một ngôi mộ. Khi không còn chỗ, thi thể được chuyển đến Mandalay để hỏa táng, nhưng ngay cả ở đó cũng không đủ lò hỏa táng để xử lý số lượng quá lớn”, Aye Moe nói thêm.
“Chúng tôi không thể xác định chính xác số lượng thi thể. Ngay tại bệnh viện lớn nhất, tình trạng hỗn loạn diễn ra khi bệnh nhân và thi thể nằm chen chúc nhau. Không có nhân lực, thanh niên hoặc đã bỏ trốn vào rừng, hoặc đã rời khỏi đất nước”, Aye Moe nghẹn ngào.
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Đến ngày 31/3, các đội cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận Sagaing. Anh Aung Gyi, một cư dân 25 tuổi, cho biết thành phố giờ đây là một đống đổ nát, người dân đang phải vật lộn để sinh tồn giữa cảnh thiếu thốn lương thực, nước sạch và các nhu yếu phẩm cơ bản.
“Những tòa nhà hai, ba tầng sụp đổ, người bị mắc kẹt bên dưới không thể được giải cứu. Một cây cầu chính tại Sagaing bị hư hại nghiêm trọng, khiến các phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận được những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, anh nói.
Tình hình càng thêm đáng lo ngại khi những vùng cao nguyên vẫn chưa thể xác định được mức độ thiệt hại.
Trong khi đó, viện trợ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu đổ vào Myanmar, chủ yếu qua thủ đô Naypyitaw. Tuy nhiên, quá trình cứu trợ bị cản trở bởi không chỉ hậu quả khủng khiếp từ trận động đất mà còn bởi những thách thức về hậu cần khi đưa hàng cứu trợ vào Myanmar.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hệ thống y tế tại Myanmar đang quá tải nghiêm trọng. Đường sá hư hỏng, cầu sập, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn... khiến công tác cứu hộ đối mặt với muôn vàn trở ngại.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, những đoạn video ghi lại cảnh nhiều khu vực bị san phẳng thành đống gạch vụn. Người dân phải ngủ ngoài đường vì lo sợ dư chấn sẽ khiến thêm nhiều tòa nhà sụp đổ.
Bác sĩ Nang Win, một chuyên gia y khoa người Myanmar hiện sống tại Australia, cho biết cô đang tìm mọi cách để hỗ trợ người thân, bạn bè và đồng nghiệp tại quê nhà.
“Ngay từ đầu, hệ thống y tế ở đây đã không được thiết lập để đối phó với thảm họa. Không có kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Dù viện trợ đã bắt đầu đến, nhưng sự chậm trễ trong cứu trợ đã gây ra những tổn thất sinh mạng không đáng có”, cô nói.
Theo cô, số liệu chính thức chưa phản ánh hết mức độ thương vong thực tế. “Con số 1.700 người chết không thể là con số thực. Chỉ riêng một thị trấn ở Mandalay, số người thiệt mạng đã cao hơn thế rất nhiều”, cô nói.
Hải Vân/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tham-kich-dong-dat-tai-myanmar-nghia-trang-day-thi-the-mui-tu-khi-bao-trum-20250401152007131.htm