Thăm ngôi làng dưới chân núi Chư Đang Ya

Thăm ngôi làng dưới chân núi Chư Đang Ya
9 giờ trướcBài gốc
Con đường đất dẫn vào làng với những bụi cây dày, rậm rạp đến mức tưởng chừng như che kín cả lối đi. Thời điểm này, làng Gri được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của cây lá. Sau một cơn mưa nhẹ, mặt đường vẫn còn loáng nước, phản chiếu sắc trời trong vắt, mát dịu.
Một góc dưới chân núi được người dân dựng nhà vách đất, lợp tranh để phục vụ du khách check-in. Ảnh: N.T.D
Tiếng xe máy chầm chậm vang lên, chở những bạn trẻ ghé thăm làng, mang theo những háo hức và bỡ ngỡ. Họ dừng lại ở một khúc quanh, đưa mắt nhìn về phía chân núi-nơi màu xanh trải dài bất tận và mỗi mùa lại đổi một màu. Thời điểm này là lúc những vạt dã quỳ trỗi dậy biếc xanh lá. Từ xa, núi lửa Chư Đang Ya sừng sững như một bức tường thiên nhiên bảo vệ dân làng.
Từ một ngọn núi lửa đã ngủ yên
Nếu may mắn được trò chuyện cùng người già trong làng, họ sẽ kể cho bạn về truyền thuyết núi lửa Chư Đang Ya-ngọn núi thiêng trong tâm thức của bao thế hệ. Bạn sẽ thấy một ngôi làng không chỉ nương nhờ vào thiên nhiên mà còn sống mãi trong mạch nguồn văn hóa của thiên nhiên. Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết ngọn núi này đã che chắn, nuôi dưỡng dân làng suốt gần 3 thập niên qua.
Theo năm tháng, người Jrai vẫn giữ tục canh tác trồng dong riềng, khoai lang, bắp, bí đỏ... ngay dưới chân núi. Đến mùa lá dong xanh mướt, hoa dong khoe sắc, gió lùa qua núi nghe nồng nàn cao nguyên đỏ thắm.
Xen giữa những rẫy dong riềng là khoai lang. Những luống khoai xanh rì, mướt mắt, lá vươn dài, dây bò ngập cả triền dốc. Người làng bảo nhau, đất núi lửa giàu phù sa, khoai ở đây ăn dẻo, thơm, chỉ cần vùi củ vào than hồng, nứt lớp vỏ cháy xém là đủ ngọt mềm hơi ấm.
Một góc núi lửa Chư Đang Ya mùa này. Ảnh: N.T.D
Từ Ia Gri nhìn lên, núi lửa Chư Đang Ya sừng sững, đỉnh núi quanh năm phủ mây trắng. Những khoảnh đất nâu, xanh, vàng xen kẽ trên sườn núi, tựa tấm thổ cẩm khổng lồ.
Khi du khách chinh phục đỉnh núi sẽ nghe gió hát và ngắm nhìn mây la đà trước mắt. Phía xa, đàn bò thong dong gặm cỏ, khói bếp lam chiều vương trên tán cây. Không gian nơi đây dường như vẫn giữ nguyên nhịp sống bình yên, chưa bị cuốn theo sự hối hả của phố thị.
Người Jrai địa phương không đứng ngoài cuộc mà trở thành chủ thể của chính không gian văn hóa. Khi vào Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya hàng năm, người làng sẽ là một hướng dẫn viên đưa từng du khách leo núi; chỉ lối họ thăm vạt dong riềng, giúp du khách tự tay đào khoai...
Mỗi du khách sẽ tự mở cánh cửa để bước vào không gian văn hóa đầy đắm say và sự khám phá. Tức là, khi rời đi, trong đôi mắt du khách là hình ảnh đọng lại của màu xanh dã quỳ đương bật mùa thao thiết. Chính cánh cửa văn hóa đã giúp Ia Gri không bị nuốt chửng bởi du lịch thương mại, cũng không bị lãng quên qua thời gian.
Đặc biệt, những ngày này, khi một cơn mưa nhẹ vừa tan, cộng với chút không khí lạnh sẽ khiến những làn mây gom tụ, tạo thành biển mây bồng bềnh vắt ngang lưng núi. Mùa “săn mây” bắt đầu ở núi rừng Chư Đang Ya.
Lúc này, cả ngọn núi chỉ là những vệt mờ ảo, như dòng sông được cuộn tròn một lớp sương mai phủ lên buổi sớm. Biển mây cứ thế quần tụ. Những đám mây khi di chuyển, lúc lại đứng yên, giống như đang chờ đợi các tay máy. Du khách hết chụp cảnh rồi lại selfie, hết ngạc nhiên trầm trồ đến “ồ à” thích thú…
Gìn giữ bản sắc để mở lối phát triển du lịch cộng đồng
Người làng Ia Gri đa số là đồng bào Jrai, vẫn gìn giữ nhiều phong tục truyền thống của cư dân bản địa. Trong những dịp lễ hội, tiếng cồng chiêng vang vọng, giai điệu ngân dài như nối liền quá khứ và hiện tại.
Trong làng, dễ bắt gặp những đứa trẻ tóc nâu, mắt đen sâu thẳm, tay cầm hộp sữa ngây thơ. Những người mẹ địu con sau lưng bằng chiếc khăn vải cũ, bước chân rắn rỏi, nụ cười hiền lành.
Một người mẹ địu con sau lưng bằng chiếc khăn vải cũ, nở nụ cười hiền lành với du khách. Ảnh: N.T.D
Bên hiên nhà, bà ngồi bế cháu, thi thoảng ngẩng lên nhìn khách lạ rồi gật đầu chào. Bên cạnh là chiếc gùi gắn bó trong từng nhịp sống, như đang kể câu chuyện về những con người bình dị, bền bỉ nơi gió núi đại ngàn.
Người dân trong làng vẫn gìn giữ lối sống gắn liền với thiên nhiên. Họ trồng thêm nhiều giống hoa làm điểm check-in; dựng lên những căn nhà làm từ lồ ô, tre, mái lợp tranh với vài quán nhỏ để đón khách phương xa.
Không gian quán không phá vỡ cảnh quan mà khéo léo hòa vào thiên nhiên, như một phần của núi rừng, để nghe gió từ núi ùa về, nghe tiếng chim lẩn khuất đâu đó trên tán cây, mới thấy hết cái bình yên mà đô thị khó lòng có được.
Ia Gri không chỉ một ngôi làng nhỏ trên núi, mà còn là nơi để cảm nhận hồn cốt Tây Nguyên qua nếp sống, nụ cười và cả những món ăn truyền thống của người bản địa. Văn hóa làng không chỉ nằm trong những tập tục mà còn hiện hữu trong cách họ tôn trọng thiên nhiên, trong sự hài hòa giữa con người và núi rừng.
Ngôi làng nhỏ Ia Gri dưới chân núi Chư Đang Ya. Ảnh: N.T.D
Việc phát triển du lịch cộng đồng từ giữ gìn bản sắc không chỉ giúp người dân cải thiện sinh kế mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa Jrai, gìn giữ những giá trị đang dần phai nhạt theo nhịp sống hiện đại.
Từng được tạp chí Daily Mail (Anh) vinh danh là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới, ngọn núi Chư Đang Ya không chỉ là kỳ quan của thiên nhiên, mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Để xứng đáng với danh xưng ấy và biến nó thành động lực phát triển bền vững, chính quyền cùng người dân địa phương đã đồng lòng gìn giữ môi trường sinh thái, bảo tồn những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa bao đời.
Hướng đi ấy không chỉ giúp giữ trọn hồn cốt của làng, mà còn mở ra cơ hội để Ia Gri trở thành điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc-nơi thiên nhiên nguyên sơ và văn hóa bản địa hòa quyện, mang lại cho du khách những trải nghiệm chân thật, đầy sức sống.
NGUYỄN THỊ DIỄM
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/tham-ngoi-lang-duoi-chan-nui-chu-dang-ya-post561941.html