Thẩm phán kể chuyện: Những mảnh vỡ sau phiên tòa ly hôn

Thẩm phán kể chuyện: Những mảnh vỡ sau phiên tòa ly hôn
8 giờ trướcBài gốc
Sau những phiên tòa ly hôn, nhiều câu chuyện đọng lại khiến người thẩm phán đau đáu nỗi niềm nhân sinh. Những người từng là tất cả của nhau, sau những năm tháng chung sống, tình cảm mai một để rồi cư xử với nhau tệ hơn với người dưng.
Phiên tòa ly hôn chiều cuối năm, trước mặt chúng tôi, bị đơn trình bày các yêu cầu kháng cáo. Mái tóc bà bạc màu thời gian, gương mặt, hình dáng gầy gò đến khắc khổ. Bà trả lời rành rọt những câu hỏi của HĐXX và cương quyết giữ các yêu cầu kháng cáo của mình.
Biết bao nhiêu tình
Tác giả - thẩm phán HOÀNG THỊ BÍCH DUYÊN, TAND TP.HCM
Mấy chục năm vợ chồng với bao thời gian và nghĩa tình, bà say sưa khi nói về người chồng của mình với niềm tự hào khó giấu: bà biết ông vẫn còn rất yêu bà nên bà không thể ly hôn với ông được; mỗi lần đưa con đi khám bệnh, ông chu đáo lo lắng nộp hồ sơ khám bệnh, đóng tiền khám, tiền thuốc men, viện phí. Khi đã xong xuôi hết mọi thủ tục, ông mới nhẹ nhàng: “Em ơi, đưa con vào khám đi”.
Rồi bà kể về người chồng vốn từng là tất cả của nhau, luôn vun vén cho gia đình, lo toan mọi thiếu đủ cho cuộc sống của vợ con: "Ông ấy là bác sĩ công tác ở Trung tâm y tế nên giờ lương hưu chỉ có hơn 4 triệu đồng/tháng, phải chạy ra ôm kiếm thêm thu nhập, cho gia đình có thể chi tiêu thoải mái hơn”.
Những ký ức tươi đẹp ấy khiến bà luôn tự hào trong sự trân trọng và biết ơn. Nhưng với bà, hiện tại thật đắng cay, đắng cay đến mức bà phải quay quắt ra: “Vừa ly hôn xong, giờ ổng sống với con nào đó, tiền chắc đưa hết cho nó rồi nên không biết rõ thu nhập hiện nay của ổng là bao nhiêu”.
Những lời trình bày của bà như đá chân nhau, lúc thì bà xác nhận vợ chồng đã ly thân 10 năm nay, lúc thì nói chưa hề sống xa nhau ngày nào. Bà tính tính toán toán, đưa ra giải pháp cho ông phải chịu trách nhiệm cuộc đời của bà và con chung của hai người bằng những lập trình rối rắm, mâu thuẫn đan xen…
Bà trình bày nội dung kháng cáo với 3 lý do. Thứ nhất là còn yêu nên không muốn ly hôn. Thứ hai là chồng phải tăng số tiền trợ cấp nuôi con chung lên 10 triệu đồng/tháng; số tiền này phải được tăng theo thời giá, mặt bằng chung của xã hội.
Thứ ba là đối với tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (căn nhà mà bà và con đang ở), ông phải sang tên lại cho đứa con chung đang bệnh tâm thần phần thuộc sở hữu của ông, để bà quản lý luôn.
Những mảnh vỡ
Nguyên đơn có gương mặt thật nhiều nỗi niềm, vừa mệt mỏi lại vừa chịu đựng. Ông đi lại khó khăn do bệnh xương khớp nhưng không vắng bất kỳ buổi triệu tập nào của tòa từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm để trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình. Ông nói rất ít về bản thân, chỉ thiết tha xin được ly hôn bởi ông bà đã ly thân 10 năm nay, tình cảm thật sự không còn, con chung đã trưởng thành nhưng do bệnh tâm thần nên hiện đang sống với bà...
Hiện giờ, sức khỏe của ông rất kém, không thể làm được việc gì khác, kể cả việc điều khiển xe. Ông tự nguyện giao hết tài sản đã tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân cho bà và con quản lý, sử dụng; đồng thời thống nhất với số tiền hỗ trợ nuôi con 3,5 triệu đồng/tháng như tòa sơ thẩm đã tuyên. Ông đã về chung sống với mẹ ruột 10 năm nay, chỉ xin được không chạm mặt với bà bất kỳ ở đâu, nơi nào cho đến hết cuộc đời, kể cả tại phiên tòa. Bởi mỗi lần gặp bà xong là ông lại rơi vào trầm cảm, sang chấn tinh thần không thể chịu đựng nổi.
Buổi xét xử hôm đó, hàng ghế bên dưới chỉ có một chàng trai khép nép ngồi, không nói lời nào suốt phiên tòa. Trước đó nhiều năm, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ở một trường ĐH danh giá nhưng oái ăm thay, sau đó anh bị bệnh tâm thần... Dáng người thấp nhỏ, nước da trắng xanh, anh luôn cúi mặt trong phiên xử, như nuốt từng câu từng lời mà mẹ anh đang thao thao bất tuyệt trình bày.
HĐXX sau cùng đã ra phán quyết y án sơ thẩm, cho hai vợ chồng ly hôn, người con sẽ ở với mẹ, người cha cấp dưỡng hằng tháng...
Kết thúc phiên tòa, người mẹ và đứa con trai không thể đoán cảm xúc nhìn nhau lặng lẽ trong sự chông chênh, mất mát; khi người vốn từng "ăn chung niềm vui, uống chung nỗi buồn" nay đã chính thức là người bên lề cuộc đời họ.
Trên sân tòa, những vạt nắng cuối ngày chao nghiêng, đan xen nhau như những tính toán, lời giải, phương án cho cuộc đời của 3 nhân vật trong cuộc hôn nhân rạn vỡ này. Những mảnh vỡ cuộc đời đôi khi khiến con người dù ở bất kỳ hoàn cảnh, địa vị nào trong xã hội cũng đều cảm thấy rơi tự do, không lối thoát.
Việc giải quyết án đã xong, bất giác hình ảnh cậu thanh niên khiến lòng tôi chùng xuống, suy tư, chống chếnh. Rồi đây ai còn nhớ ai?
Thẩm phán HOÀNG THỊ BÍCH DUYÊN, TAND TPHCM
Nguồn PLO : https://plo.vn/tham-phan-ke-chuyen-nhung-manh-vo-sau-phien-toa-ly-hon-post826000.html