Thẩm quyền áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP

Thẩm quyền áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP
15 giờ trướcBài gốc
Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm tổ chức tặng dê giống cho các hộ nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế. Ảnh: Kim Khánh
1. Đối với nội dung áp dụng biện pháp kinh tế thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
Bộ Tư lệnh BĐBP có trách nhiệm thu thập tài liệu, nghiên cứu, đánh giá, tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định chủ trương, giải pháp thực hiện, áp dụng biện pháp kinh tế theo quy định của pháp luật. Trong đó, quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp do Bộ Tư lệnh BĐBP quản lý; quyết định áp dụng biện pháp kinh tế trong công tác ngoại giao, xây dựng công trình có tính chất lưỡng dụng trên biên giới.
2. Đối với nội dung áp dụng biện pháp kinh tế thuộc thẩm quyền của Tư lệnh BĐBP:
- Tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định áp dụng biện pháp kinh tế theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề lớn, mang tính chiến lược, diễn biến phức tạp, trên một tuyến biên giới hoặc liên quan nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có biên giới quốc gia.
- Trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia triển khai chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án đảm bảo gắn phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
- Tham gia ý kiến thẩm định đối với những chủ trương, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án do Bộ Quốc phòng giao thẩm định hoặc được các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xin ý kiến.
- Quyết định phê duyệt đối với đề xuất, kiến nghị áp dụng biện pháp kinh tế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.
3. Đối với nội dung áp dụng biện pháp kinh tế thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP:
- Tham mưu trưởng BĐBP chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, đề xuất áp dụng biện pháp kinh tế theo thẩm quyền và làm tham mưu cho Tư lệnh BĐBP quyết định áp dụng biện pháp kinh tế trong một số hoạt động sau:
+ Khi có hoạt động trưng mua, trưng dụng tài sản, phương tiện, con người trong huy động nhân lực, vật lực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật;
+ Đề xuất Bộ Quốc phòng bố trí kinh phí, vật chất hằng năm hoặc huy động các nguồn lực xã hội hóa để thăm hỏi, giao lưu, hỗ trợ chính quyền, cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang và nhân dân nước có chung đường biên giới trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng, thiên tai, dịch bệnh;
+ Xây dựng phương án, báo cáo đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xin chủ trương đầu tư, kinh doanh, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền của Tư lệnh BĐBP theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước.
+ Xây dựng kế hoạch, tham mưu triển khai thực hiện và là đầu mối kết nối với cơ quan chủ trì, chủ đầu tư dự án mà Bộ Tư lệnh BĐBP được giao nhiệm vụ là một chủ thể tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
- Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng, triển khai thực hiện các phong trào, chương trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trên phạm vi cả nước, một tuyến biên giới, một đoạn biên giới, một hướng hoặc một địa bàn trọng điểm và hướng dẫn BĐBP các cấp tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Tham mưu cho Đảng ủy BĐBP báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành thực hiện chế độ, chính sách khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
- Cục trưởng các Cục: Trinh sát; Phòng, chống ma túy và tội phạm; Cửa khẩu áp dụng biện pháp kinh tế trong triển khai biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân hoạt động tội phạm hoặc lợi dụng hoạt động kinh tế để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và chỉ đạo BĐBP các cấp đấu tranh, phòng, chống những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động kinh tế để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP quyết định chủ trương triển khai dự án kinh tế, thành lập tổ, đội kinh tế làm bình phong trong hoạt động nghiệp vụ.
4. Đối với nội dung áp dụng biện pháp kinh tế thuộc thẩm quyền của BĐBP cấp tỉnh:
- Áp dụng biện pháp kinh tế theo thẩm quyền; báo cáo, tham mưu, đề xuất, xin chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh nếu vượt quá thẩm quyền, ngoài khả năng, điều kiện của đơn vị.
- Chỉ đạo đơn vị thuộc quyền thu thập thông tin, tài liệu, tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP phục vụ tham mưu, thẩm định, tham gia ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án liên quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu được phân công phụ trách.
- Quyết định phê duyệt đối với đề xuất, kiến nghị áp dụng biện pháp kinh tế của các đơn vị trực thuộc.
- Chỉ huy các đơn vị chức năng trực thuộc áp dụng biện pháp kinh tế theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền trong chi tiêu, thanh quyết toán việc sử dụng kinh phí chuyên ngành.
5. Đối với nội dung áp dụng biện pháp kinh tế thuộc thẩm quyền của cấp đồn Biên phòng:
- Áp dụng biện pháp kinh tế theo thẩm quyền trong hoạt động đối ngoại, phòng, chống tội phạm, tuần tra, kiểm soát.
- Đề xuất chỉ huy BĐBP tỉnh cho phép triển khai các mô hình tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và giúp đỡ nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao đời sống phù hợp khả năng của đơn vị và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp; là chủ thể tham gia phát triển kinh tế - xã hội khi được giao nhiệm vụ trong các chương trình, dự án của Nhà nước, địa phương hoặc của cấp trên.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh (Cục Trinh sát BĐBP)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tham-quyen-ap-dung-bien-phap-kinh-te-trong-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-cua-bdbp-post483380.html