Ảnh minh họa
Các ý kiến tập trung sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; cơ sở, thời điểm đề nghị thông qua; phạm vi chính sách và đối tượng áp dụng; lựa chọn nhà thầu; trình tự, thủ tục thực hiện, định mức, đơn giá đấu thầu; vấn đề bảo vệ môi trường...
Chiều tối 12/2/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 11, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Ủy ban có hai nội dung cần thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến gồm: các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông Huy cho biết theo Tờ trình của Chính phủ, để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, trước mắt triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Chính phủ nhận thấy, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.
Nhằm phục vụ công tác thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ và các tài liệu liên quan. Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42.
Tại Phiên họp, đại diện Bộ Công thương đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm như: sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; cơ sở, thời điểm đề nghị thông qua; phạm vi chính sách và đối tượng áp dụng; lựa chọn nhà thầu; trình tự, thủ tục thực hiện, định mức, đơn giá đấu thầu; vấn đề bảo vệ môi trường...
Trước đó, chiều 10/02/2025, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 08/02/2025 của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và dự thảo Nghị quyết kèm theo, nhằm đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ về vấn đề này.
Trong tờ trình tại Phiên họp, Chính phủ đã đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hai dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.
Về đối tác thực hiện, cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thỏa thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Việt Nam hoặc Hiệp định/thỏa thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Về lựa chọn nhà thầu, cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.
Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án: Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay; Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn thẩm tra dự án đầu tư (FS), hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành; Chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công.
Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác để mua nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy. Cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng;
Chỉ định thầu/lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt/chỉ định thầu rút gọn để thẩm định công nghệ, các báo cáo về môi trường, an toàn, an ninh, cũng như kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về: Trình tự thực hiện; về áp dụng định mức, đơn giá; về thủ tục trình, duyệt của đại diện chủ sở hữu; phương án tài chính và thu xếp vốn; về công tác lập đánh giá tác động môi trường; về cơ chế, chính sách đối với tỉnh Ninh Thuận; về cho phép miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Nhĩ Anh