Cô giáo và học sinh ở TP. Huế. Ảnh minh họa
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối với các địa phương trong cả nước. Điểm cầu tại TP. Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.
Ngày 16/6/2025, Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo. Đây là đạo luật được chờ đợi từ lâu, đáp ứng kỳ vọng của hơn 1 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời kỳ mới.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện hết sức quan trọng, là căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai. Để Luật, các nội dung của Luật đi vào cuộc sống, phải có các văn bản dưới luật. Quá trình ban hành các văn bản dưới luật đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn và bài bản.
Trong thời gian rất ngắn, Bộ GD&ĐT chủ trì, nghiên cứu, ban hành 3 nghị định và 10 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Đây là nhiệm vụ phức tạp, tác động sâu rộng đến hơn 1 triệu nhà giáo và nhiều quy định pháp luật liên quan. Do đó, quá trình xây dựng các văn bản cần được tiến hành một cách khoa học, bài bản, dựa trên khảo sát, đánh giá thực tiễn, với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị và lắng nghe.
Hội thảo đã trao đổi, đề xuất, nêu ý kiến liên quan đến các nội dung Luật Nhà giáo, cũng như góp ý cho quy trình ban hành, triển khai thực hiện các nghị định, thông tư trong thời gian tới.
MINH HIỀN