Tham vọng siêu cường AI của Trung Quốc

Tham vọng siêu cường AI của Trung Quốc
4 giờ trướcBài gốc
Các công ty Trung Quốc như DeepSeek và Alibaba đã ra mắt nhiều hệ thống AI nguồn mở - một trong những mô hình có hiệu suất cao nhất thế giới. Ảnh: New York Times.
Khi OpenAI chặn Trung Quốc truy cập vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến hồi tháng 7/2024, các lập trình viên Trung Quốc chỉ nhẹ nhàng nhún vai. Họ sẽ dựa vào các nguồn mở, nơi công khai chia sẻ công nghệ. Chỉ sau một năm, cuộc đua phát triển AI tiên tiến trên toàn cầu đã có sự thay đổi lớn.
Theo New York Times, Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua tạo ra công nghệ sánh ngang với bộ não con người. Chính phủ Trung Quốc đã dành một thập niên tập trung nguồn lực cho tham vọng siêu cường AI, giống chiếc lược họ đã áp dụng để thống trị ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời.
“Trung Quốc đang tận dụng hỗ trợ của nhà nước trên toàn bộ hệ thống công nghệ AI, từ chip và trung tâm dữ liệu cho đến năng lượng", Kyle Chan - nghiên cứu viên tại tổ chức RAND Corporation - nói.
Suốt 10 năm qua, Trung Quốc thúc đẩy các công ty trong nước xây dựng năng lực sản xuất trong các ngành công nghệ cao trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu. Cách tiếp cận này giúp Trung Quốc trở thành nhà sản xuất 1/3 hàng hóa trên thế giới và là nước dẫn đầu về xe điện, pin và tấm pin mặt trời. Tương tự, nước này đã và đang đầu tư vào các thành phần thiết yếu trong hệ thống AI tiên tiến: Sức mạnh tính toán, kỹ sư lành nghề và tài nguyên dữ liệu.
Đầu tư mạnh cho công nghệ và khởi nghiệp AI
Trung Quốc đã thúc đẩy cách tiếp cận này trong bối cảnh chính quyền Mỹ liên tiếp siết chặt quy định xuất khẩu công nghệ cao như chip AI, trong đó có sản phẩm của Nvidia.
Hôm 14/7, Nvidia cho biết Washington đã phê duyệt xuất khẩu một loại chip dành riêng cho Trung Quốc có tên H20. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang chạy đua phát triển các giải pháp thay thế cho công nghệ của Nvida.
Tại Mỹ, các công ty công nghệ như Google và Meta chi hàng tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu. Song tại Trung Quốc, chính phủ mới là bên đóng vai trò quan trọng trong tài trợ cơ sở hạ tầng và phần cứng AI, gồm các trung tâm dữ liệu, máy chủ dung lượng cao và chất bán dẫn.
Nhân viên tại văn phòng một công ty khởi nghiệp AI ở Hàng Châu. Ảnh: New York Times.
Để tận dụng triệt để nhân tài, chính phủ Trung Quốc đầu tư cho mạng lưới phòng nghiên cứu, thường hợp tác với các công ty công nghệ lớn như Alibaba và ByteDance. Trung Quốc cũng chỉ đạo các ngân hàng và chính quyền địa phương thực hiện các chương trình cho vay vốn, giúp hàng trăm công ty khởi nghiệp. Kể từ năm 2014, chính phủ chi gần 100 tỷ USD cho một quỹ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hồi tháng 4, Trung Quốc tuyên bố sẽ phân bổ 8,5 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp về AI còn non trẻ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương thành lập các khu dân cư hoạt động như "vườn ươm khởi nghiệp", như "điểm nóng về nhân tài AI" Dream Town ở Hàng Châu, nơi đặt trụ sở Alibaba và DeepSeek.
“Hỗ trợ dù chỉ 10-15% chi phí nghiên cứu giai đoạn đầu cũng đem lại lợi ích rất lớn”, Jia Haojun - nhà sáng lập Deep Principle, một công ty khởi nghiệp ở Hàng Châu đã huy động được 10 triệu USD hồi năm 2024 - cho biết.
Các quận khác tại Hàng Châu cũng đưa ra nhiều ưu đãi cạnh tranh để thu hút các công ty khởi nghiệp. Ông Jia cho biết Deep Principle đã nhận được khoản trợ cấp 2,5 triệu USD từ chính quyền quận khi công ty chuyển đến đây. Một quan chức đã giúp ông tìm văn phòng và nhà ở cho nhân viên.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ về cách công chúng sử dụng Internet. Điều này giúp các công ty như ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phát triển một số hệ thống AI phổ biến nhất.
Sức mạnh mềm về công nghệ
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trung Quốc cũng có một số điểm yếu. Rất nhiều công ty khởi nghiệp đang cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, đồng thời gặp khó khăn trong chuyển đổi nguồn lực trong bối cảnh công nghệ thay đổi chóng mặt. Có những công ty Trung Quốc dành nhiều năm nghiên cứu công nghệ nhận dạng khuôn mặt, song trở tay không kịp với AI tạo sinh như ChatGPT.
"Việc xác định nên đầu tư và phân bổ nguồn lực vào đâu có thể rất khó khăn. AI không giống các ngành công nghiệp truyền thống như thép hay đóng tàu", ông Chan cho biết.
Phần lớn sự hỗ trợ của chính phủ đổ về nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, SMIC. Ảnh: New York Times.
Phần lớn nguồn tài trợ của chính phủ được chuyển cho Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC). SMIC sản xuất chip AI cho Huawei nhằm cạnh tranh với chip Nvidia. Chip Huawei đủ tốt cho một số tác vụ, song chưa toàn diện tính năng tương đương chip Nvidia. Ngoài ra, SMIC cũng khó sản xuất chip với số lượng lớn.
Các công ty Trung Quốc - như Alibaba, ByteDance, Huawei hay Baidu - đang chuyển sang AI nguồn mở như một cách nhanh nhất bắt kịp các đối thủ ở Thung lũng Silicon. Trong khi người dùng cần trả phí cao để tiếp cận hệ thống AI của OpenAI và Google, Trung Quốc công khai các mô hình để giúp các kỹ sư trên toàn thế giới xây dựng hệ thống riêng.
Một số chuyên gia phương Tây bày tỏ lo ngại rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của các công ty AI nguồn mở như DeepSeek có thể làm thay đổi cán cân cạnh tranh toàn cầu và ảnh hưởng đến khả năng thiết lập tiêu chuẩn công nghệ quốc tế của Mỹ. Chuyên gia nhận định cách tiếp cận của Trung Quốc có thể thu hút nhiều kỹ sư trên toàn thế giới.
"Mã nguồn mở chính là sức mạnh mềm về công nghệ, tương tự Hollywood hay McDonald's", Kevin Xu - nhà sáng lập Interconnected Capital tại Mỹ, một quỹ đầu cơ đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, cho biết.
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/tham-vong-sieu-cuong-ai-cua-trung-quoc-post1569090.html