Trong lịch sử Trung Quốc, Lưu Bị, Tôn Quyền và Tào Tháo là ba thế lực lớn hình thành nên thế chân vạc thời Tam Quốc. Là phe mạnh, Tào Tháo hiểu rằng để tranh đoạt thiên hạ, ông cần quy tụ nhiều nhân tài về dưới trướng.
Tào Tháo luôn nổi danh là bậc quân chủ tinh tường trong việc nhìn người và trọng dụng nhân tài. Quả thực, dưới quyền ông có không ít tướng lĩnh, mưu sĩ xuất chúng như Tuân Úc, Quách Gia, Giả Hủ, Điền Vi, Hứa Chử...
Tuy nhiên, sử sách từng ghi lại một thần đồng từng khiến Tào Tháo hết lời ca ngợi. Ban đầu, ông tìm mọi cách chiêu dụ nhân tài này, nhưng sau đó lại bất ngờ ra lệnh ám sát. Người này là ai? Điều gì đã khiến Tào Tháo thay đổi thái độ một cách đột ngột?
Ảnh minh họa
Thần đồng được Tào Tháo ngưỡng mộ
Đó chính là Chu Bất Nghi - cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên, người dưới trướng Lưu Biểu. Theo trang Qulishi, Chu Bất Nghi tự là Nguyên Trực, quê ở Linh Lăng (nay thuộc Hồ Nam). Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, từ nhỏ, Chu Bất Nghi đã bộc lộ tài trí hơn người.
Sau này, ông được cậu ruột là Lưu Tiên gửi gắm cho danh sĩ Lưu Ba - người mà ngay cả Gia Cát Lượng cũng phải thừa nhận "tự thẹn không bằng".
Theo "Linh Lăng Tiên Hiền Truyện", chỉ sau một thời gian ngắn, Lưu Ba đã nhận thấy bản thân không đủ khả năng truyền thụ hết cho Chu Bất Nghi.
Năm 208, Lưu Biểu qua đời vì bạo bệnh. Khi Tào Tháo chiếm Kinh Châu, ông thu nạp cả Lưu Tiên lẫn Chu Bất Nghi. Nhờ tài năng xuất chúng, Chu Bất Nghi nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Tào Tháo.
Khi Tào Tháo gặp khó khăn trong chiến dịch tấn công Liễu Thành, Chu Bất Nghi lúc đó mới 14 tuổi đã dâng lên 10 kế sách, giúp quân Tào lập tức phá bỏ thế bế tắc.
Ấn tượng trước tài trí vượt bậc của Chu Bất Nghi, Tào Tháo nảy ra ý định kết thân qua hôn nhân. Ông đề nghị gả con gái cho Chu Bất Nghi, nhưng bất ngờ bị từ chối thẳng thừng.
Dù trong lòng không vui, Tào Tháo vẫn muốn giữ Chu Bất Nghi bên mình. Ông cho phép Chu Bất Nghi kết giao thân thiết với con trai mình là Tào Xung, hai người từ đó trở thành tri kỷ.
Số phận yểu mệnh của thần đồng Tam Quốc
Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi Tào Xung đột ngột qua đời vào năm 208. Mất đi người con trai mà ông thầm chọn làm người kế nghiệp, Tào Tháo đau đớn tột cùng.
Lúc này, Chu Bất Nghi bỗng trở thành "cái gai trong mắt" của Tào Tháo. Ông cho rằng, chỉ một thiên tài như Tào Xung mới có thể chế ngự được Chu Bất Nghi. Nhưng nay, Tào Xung đã chết, nếu để Chu Bất Nghi tồn tại, e rằng sẽ gây mối nguy lớn cho người kế vị.
Tào Phi, con trai trưởng của Tào Tháo, lập tức can ngăn cha mình. Tào Phi nhận thấy Chu Bất Nghi tài giỏi, nếu giữ lại sẽ là một cánh tay đắc lực giúp mình sau này.
Thế nhưng, Tào Tháo lạnh lùng đáp: "Kẻ này vốn không phải người mà con có thể khống chế".
Một thiên tài như Chu Bất Nghi, chỉ có người có trí tuệ ngang hàng như Tào Xung mới đủ khả năng áp chế. Trong khi đó, dù Tào Phi cũng là người có tài, nhưng so với Tào Xung, vẫn còn kém xa.
Muốn đưa Tào Phi lên kế vị, Tào Tháo chỉ có một lựa chọn: Loại bỏ Chu Bất Nghi.
Nghe lời cha, Tào Phi cuối cùng cũng hiểu ra vấn đề. Ông im lặng, không phản đối thêm.
Năm 209, Chu Bất Nghi bị ám sát theo lệnh của Tào Tháo, kết thúc bi thảm cuộc đời một thần đồng hiếm có của thời Tam Quốc.
Kaka (t/h)