'Thần dược' xáo tam phân ngày ấy - bây giờ

'Thần dược' xáo tam phân ngày ấy - bây giờ
13 giờ trướcBài gốc
Hàng trăm người đổ xô đào bới, băm nát núi Hòn Hèo rồi mở rộng ra nhiều nơi khác, dọn sạch “thần dược” để bán. Loài cây mang tên xáo tam phân tưởng chừng đã khai tử. May thay, còn có những người trăn trở, tâm huyết với việc bảo tồn, phát triển dược liệu này...
1. Ninh Vân trước kia là thôn Đầm Vân, xã Ninh Phước, có địa thế cách biệt với bên núi rừng hiểm trở, bên biển xanh lộng gió, cư dân thưa thớt, làng quê nghèo nàn đậm chất hoang sơ. Đến năm 1981, xã Ninh Vân mới hình thành, nhưng nghèo khó vẫn đeo bám nơi này, hàng chục năm trời đường bộ về xã không có, người dân đi lại bằng thuyền trên biển, nguồn điện thắp sáng là mơ ước xa vời. Khi tỉnh lộ 625D được đầu tư tiếp nối từ Ninh Phước về Ninh Vân uốn lượn quanh co trên lưng núi Hòn Hèo, đường dây tải điện kéo về làng thì người dân Ninh Vân bắt đầu vượt khó, thoát nghèo, đời sống văn hóa - văn nghệ trở nên sinh động.
Trong số những người đam mê ca hát ở xã Ninh Vân thời ấy có ông Lê Hăng, sinh năm 1961. Cuộc chơi nào cũng lắm rượu bia, ông Hăng cũng nhậu rất... hăng, nên giữa năm 2010 lâm bệnh, sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém dần, bụng trướng bất thường, đi khám mới mắc bệnh xơ gan.
Ông Trần Bá Ninh bên vườn cây giống xáo tam phân.
Không có điều kiện vào TP Hồ Chí Minh điều trị nên sức khỏe ông Hăng xuống dốc rất rõ, tưởng chừng thần chết sắp gọi tên. Nào ngờ, hơn nửa năm sau, thần thái, khí sắc của ông bỗng dưng “sáng lên”, bụng giảm trướng dần, ăn uống tốt, những cơn sốt cao, mệt mỏi biến mất. Người trong làng dò hỏi, ông mạnh mồm tuyên bố hết bệnh nhờ uống một loại “thần dược” chưa ai biết đến.
Lúc đó, tôi là một trong số rất ít nhà báo sớm gặp ông Lê Hăng, đến giờ vẫn còn lưu trữ nhiều hình ảnh, tài liệu, trong đó có 3 phiếu siêu âm của ông tại các phòng khám đa khoa ở thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang các ngày 17, 24 và 30/7/2010 đều được bác sĩ kết luận “xơ gan, nhiều dịch ổ bụng”.
Ông Hăng kể: “Giữa lúc tâm trạng rối bời vì hết đường cứu chữa, thì ông Lương Sinh - công nhân làm đường giao thông từ Ninh Phước xuống Ninh Vân - đưa cho cây “thần dược” trên núi Hòn Hèo do đồng bào dân tộc thiểu số chỉ dẫn để nấu nước uống. Thấy chuyển biến tích cực nên kêu người nhà lên núi đào bới “thần dược” để chữa trị vài tháng thì sức khỏe hồi phục hẳn, ăn uống, sinh hoạt bình thường, kết quả siêu âm lại tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Ninh Hòa cho thấy gan bình thường, không có dịch trong ổ bụng”.
Gặp phóng viên, nhiều người dân và Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân Trà Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Trà Thị Bông Sen, lúc bấy giờ đều xác nhận ông Hăng lâm bệnh xơ gan rất nặng nhưng thoát chết nhờ xáo tam phân.
Những bài viết trên Báo CAND và Chuyên đề ANTG thời điểm này không chỉ cuốn hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước, mà còn cảnh báo tình trạng “đục nước béo cò”, “hàng giả, thuốc dỏm” đã xuất hiện trong cơn sốt xáo tam phân. Từ thông tin báo chí, hàng chục rồi hàng trăm lá thư từ nhiều vùng miền trong nước gửi đến ông Lê Hăng để “đặt hàng” xáo tam phân cho người bệnh hiểm nghèo. Cung đường uốn lượn phía đông dãy núi Hòn Hèo thường ngày trống vắng, bỗng chốc từng đoàn dăm, bảy xe ô tô mang biển số nhiều tỉnh, thành lần lượt chạy về Ninh Vân chỉ để mua xáo tam phân. Thấy nhà ông Hăng “trúng đậm”, nhiều gia đình ở Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Phú... tham gia mua bán xáo tam phân để kiếm lời, rồi hàng trăm người các xã ven biển Ninh Hòa gác việc nhà nông, kéo nhau lên núi Hòn Hèo chặt hạ, đào bới để bán mỗi cân thân cây 150.000 đồng, rễ cây 200.000 đồng.
Đến khi Viện Dược liệu, Bộ Y tế thông báo về kết quả nghiên cứu cây xáo tam phân ở Ninh Vân thì cơn sốt biến thành cơn lốc tàn phá cạn kiệt loại “thần dược” này ở Hòn Hèo rồi ập đến nhiều đồi núi ở Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận... Giá xáo tam phân tăng vọt lên tiền triệu mà vẫn khan hiếm, người tích trữ có cơ hội kiếm lời cao, một số kẻ còn giở chiêu trà trộn thật giả để móc túi người bệnh... Còn ông Lê Hăng, đến giữa tháng 11/2013 thì rời cõi tạm không phải vì bệnh gan tái phát mà do nhiễm trùng máu.
2. Giữa tháng 11/2024, phóng viên tìm gặp ông Trần Bá Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Bá Ninh ở thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa; hiện là Chủ tịch Hiệp hội Cây dược liệu Khánh Hòa - người đầu tiên có nhiều công sức khôi phục, bảo tồn và phát triển cây xáo tam phân.
Rất chân tình, ông Ninh kể lại: “Hồi đó tôi còn là dân mua bán, thấy xáo tam phân kiếm lời vài chục ngàn mỗi cân nên nhập cuộc một thời gian ngắn. Khi biết “thần dược” ở Hòn Hèo cạn kiệt, giá cả cao ngất nhưng người bệnh hiểm nghèo vẫn phải bám đuổi, có bệnh nhân còn bị lừa gạt bởi xáo tam phân không chính hiệu hoặc bị trà trộn, tôi trăn trở nghĩ đến việc bảo tồn, phát triển xáo tam phân. Không có kiến thức lâm sinh, nên tôi thử nghiệm bằng cách tìm mua nhiều cành cây tươi rồi cắt nhiều đoạn dài, ngắn khác nhau để dăm cành, gắn thẻ đánh số, ghi chép theo dõi hơn 3 năm thì những đoạn cành không non, không già phát triển tốt hơn và cho ra trái. Tôi tiếp tục thử nghiệm nhân giống từ trái chín với kết quả nảy mầm cao...”.
Người dân dọn cỏ cho cây xáo tam phân ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa.
Đem trồng trên rẫy bên dãy núi Hòn Hèo, xáo tam phân mọc tốt khi đeo bám thân cây hoang dại, nên ông Ninh làm giàn cho cây tăng trưởng mạnh, chỉ sau 5-7 năm phát triển thành những bụi lớn, sản lượng mỗi cây trên dưới 200 kg cành, lá và 25 kg rễ.
“Ngoài xáo tam phân, tôi còn nhập khẩu, phân phối các loại hoa lan nổi tiếng và kinh doanh bất động sản, nên giữa tháng 5/2013 tôi đăng ký thành lập Công ty TNHH Bá Ninh để có tư cách pháp nhân giao dịch thương mại. Niềm đam mê xáo tam phân thôi thúc tôi đầu tư trồng gần 40 ha, rồi cung cấp miễn phí cây giống cho hàng chục gia đình người dân có đất rẫy ở các xã chân núi Hòn Hèo để họ trồng trên 30 ha”. Sau khi trồng 2-3 năm đã thu tỉa cành, lá để chế biến trà và từ 5 năm trở lên có thể lấy rễ chế biến trà, bột, cao, viên nang với chất lượng cao hơn, hoặc cắt lát nấu nước uống sau khi sao vàng, hạ thổ.
Đưa tôi ra những vườn cây giống và vùng trồng xáo tam phân trên những triền đồi, ông Ninh cho biết nhờ ươm hạt gối đầu nên mỗi năm có thể cung cấp hơn 200.000 cây giống, đồng thời cắt, đào cành, rễ kết hợp thu mua của người dân hơn chục tấn nguyên liệu để chế biến các loại sản phẩm. Khi nghe tôi đặt câu hỏi: “Vì sao ông chỉ trồng và thu mua xáo tam phân bên dãy núi Hòn Hèo?”, ông Ninh chia sẻ: “Thứ nhất, nơi này gắn bó với tôi từ thời thơ ấu nặng tình quê hương. Thứ hai, Viện Dược liệu, Bộ Y tế kiểm nghiệm, đánh giá xáo tam phân tự nhiên tìm thấy đầu tiên bên núi Hòn Hèo có tác dụng ức chế, tiêu diệt 5 dòng ung thư. Vì thế, tôi chọn địa hình, thổ nhưỡng nơi này để bảo tồn, phát triển và chế biến sản phẩm từ xáo tam phân với tiêu chí Chất, Tín, Tâm, Nhân”.
Không dừng lại ở đó mà bằng sự tìm tòi, nghiên cứu của chính mình, ông Ninh tự thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị máy móc phục vụ chế biến sản phẩm từ xáo tam phân như: máy cắt lát cành, rễ; máy sấy, nghiền dược liệu; máy thông minh phân loại dược liệu... Còn máy nấu cao xáo tam phân thì phải mua và sắp tới là máy đóng gói cho sản phẩm trà túi lọc.
Trong năm 2023, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Trường Đại học Nha Trang tìm hiểu thực tế vườn cây giống, vùng trồng xáo tam phân của Công ty TNHH Bá Ninh để xây dựng một số nội dung hợp tác nghiên cứu nhân giống theo hướng công nghệ cao, phát triển và mở rộng vùng trồng xáo tam phân tại Khánh Hòa để sản xuất, chế biến nhiều loại sản phẩm từ dược liệu này. Trước đó 2 năm, thạc sĩ Phí Thị Cẩm Miện, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu vi tảo và dược phẩm của Học viện Nông nghiệp cũng đã tiếp cận để làm luận án tiến sĩ công nghệ sinh học với đề tài “Xây dựng chỉ thị phân tử nhận dạng và nghiên cứu nhân giống, bảo tồn loài xáo tam phân”.
Nghe tôi hỏi đùa: “Ông có nghĩ đến chuyện thất nghiệp khi nguồn giống xáo tam phân do ông cung cấp sẽ được trồng trên diện rộng ở nhiều nơi?”, ông Ninh cười - một nét cười nhân hậu, rồi nói: “Đã là dược liệu mà không nhân rộng để chữa bệnh là... thất đức, chứ tôi không lo thất nghiệp!”.
Đóng gói sản phẩm trà xáo tam phân Bá Ninh.
Được biết, ngoài vườn cây giống và vùng trồng xáo tam phân bên chân núi Hòn Hèo do ông Trần Bá Ninh đầu tư, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa còn có hàng chục ha xáo tam phân 3-5 tuổi của Công ty CP Sản xuất TMDV POM Group, Công ty TNHH Xatapha trồng tại hai xã Ninh Tân, Ninh Tây. POM Group đầu tư cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm: Trà thảo mộc xáo tam phân; nước thảo mộc xáo tam phân đóng lon...
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, xáo tam phân là cây bản địa có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn, phát triển. Đến nay trên địa bàn thị xã có hàng chục ha xáo tam phân trồng tập trung ở các xã Ninh Phú, Ninh Tân, Ninh Tây. Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ xáo tam phân, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, tránh trồng ồ ạt ở những vùng đất không phù hợp.
Xáo tam phân còn có tên: đơn diệp đẳng thích, cây rễ mọi, cây thần xạ; tên khoa học là Paramignya trimera, thuộc họ cam, quýt (Rutaceae). Loài cây này tập trung vùng Nam Trung bộ, chủ yếu là Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.
Tại văn bản số 539/VDL-QLKHĐT ngày 14/11/2012 của Viện Dược liệu, Bộ Y tế gửi Sở Y tế Khánh Hòa thông báo kết quả nghiên cứu cây xáo tam phân ở Ninh Vân có tác dụng ức chế, tiêu diệt 5 dòng tế bào ung thư gan Hep-G2, đại tràng HTC116, vú MDA MB231, buồng trứng OVCAR-8 và cổ tử cung Hela.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chứng minh coumarin trong xáo tam phân sở hữu tính kháng viêm, giúp ngăn chặn, điều trị bệnh lý liên quan hệ thần kinh. Hàm lượng tinh dầu trong cây có khả năng kìm hãm hoạt động của virus, tham gia kháng khuẩn, ngăn chặn nấm sinh dục candida, phòng ngừa viêm nhiễm. Xáo tam phân phù hợp cho người bệnh xơ gan cổ trướng, viêm gan, suy yếu chức năng gan, tê thấp, viêm khớp, đau lưng, nhức mỏi tay chân...
Phan Thế Hữu Toàn
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/than-duoc-xao-tam-phan-ngay-ay-bay-gio--i750186/