Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để tri ân công lao to lớn của những người vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã tạm gác lại hạnh phúc riêng. Nguồn ảnh: QĐND
Nỗi đau viết tại mặt trận
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là một trong những cây bút chiến sĩ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại. Ông sinh năm 1948 tại Nam Điền, Nam Trực, Nam Định, nguyên là Trưởng ban Thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội, tác giả nhiều tập thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn và phê bình văn học. Trong số các thi phẩm của nhà thơ, bài "Nấm mộ và cây trầm" là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ là niềm xót đau và tiếc thương vô hạn đối với các đồng đội đã hy sinh anh dũng "Thân hy sinh thơm đất, thơm trời", trong đó có người bạn thân thiết nhất của tác giả tên là Hùng.
Thi phẩm được viết ngay tại Mặt trận miền Tây đầy khói lửa vào mùa đông năm 1969, "dưới ánh đèn được làm từ vỏ đồ hộp" khi tác giả còn rất trẻ, mới 22 tuổi, đang là lính ở Trung đoàn 165, thuộc sư đoàn 312. Theo lời tác giả kể lại trên Báo Hà Nội mới điện tử ngày 11/7/2019, hồi đó ông thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chiến đấu ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nước Lào. "Mới vào thử lửa được mấy tháng, quân số trung đoàn đã bị thương vong khá nhiều. Người chết vì sốt rét, chết vì bom mìn, người chết vì quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi (tên do lính trung đoàn tự đặt), nằm cạnh thị xã Xiêng Khoảng… Ở nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy đen chĩa thẳng lên trời như những cây nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, tôi cùng một số người trong tổ vận tải, tranh thủ đào huyệt và chôn xác đồng đội".
Bài thơ đến với bạn đọc đã gây nên một hiệu ứng lớn, nhiều người đã khóc. Bài thơ khá dài với 60 câu thơ tự do, kết cấu theo 3 phần: Tưởng nhớ, Hy sinh và Ra đi. Mỗi phần đều 5 khổ thơ. Tất cả liên kết chặt chẽ làm rõ nhan đề của bài.
Mở đầu là những câu thơ tự sự tươi rói chất hiện thực và trữ tình :"Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm". Ngôn ngữ thơ giàu tính gợi cảm, vừa lãng mạn vừa giàu chất điện ảnh đã tái hiện sống động một khung cảnh sau cuộc chiến đầy chất bi tráng. Giữa không gian núi đồi hoang tàn đầy lửa đạn, cây thông bị cháy như một cây trầm hương khổng lồ được thắp lên cho người nằm dưới mộ.
Sự hy sinh của những người con chiến sĩ đã khiến cả vũ trụ tiếc thương, đau xót. Những câu thơ trong bài làm sáng rõ tứ thơ "Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm". Từ cái tứ độc đáo, rất đắt giá, nếu không phải là người trong cuộc không thể phát hiện và sáng tạo được, đã chi phối toàn bộ ngôn từ, hình ảnh, cảm xúc trong bài. Trong niềm đau thương đến tê tái, tác giả tưởng nhớ người bạn thân nhất lúc sinh thời với những kỷ niệm rất cảm động. Nhà thơ từng được bạn yêu thương, quan tâm và chăm sóc, cả hai tiếp thêm sức mạnh, giúp nhau vượt qua gian khổ: "Những đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu chăn đắp chung".
Tổ quốc và Nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tác giả nhớ những lần bị ốm, được Hùng băng núi, vượt rừng, lấy lá thuốc cho uống, bạn còn kiên trì câu cá để có bát canh ngon "Quả khế rừng nấu con cá suối" cho ăn. Đây là phần thơ gây xúc động cho người đọc nhiều nhất về tình đồng đội thân thiết, keo sơn chạm đến trái tim người đọc. Sự chân thực bao giờ cũng có sức thuyết phục vô song. Tình bạn đẹp như vậy, con người đang ở độ tuổi thanh xuân phơi phới như hoa vừa chớm hé đón nắng trời như thế, biết bao mơ ước, dự định tương lai chưa kịp thực hiện: "Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở"... Vậy mà bom đạn quân thù tàn bạo đã tước đoạt, lấy đi mạng sống người bạn tri kỷ. Giờ đây bạn phải vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Cho dù hai người chỉ cách nhau một lớp đất"Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?/ Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi" – bởi hai thế giới âm dương cách biệt. Đau xót và thương tiếc khôn nguôi...
Thương bạn bao nhiêu, người viết bày tỏ lòng căm thù lũ giặc tàn ác bấy nhiêu đã gây nên nỗi đau thương, gieo rắc"Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù" và càng cảm phục, tri ân bạn mình đã "Nhận cái chết cho đồng đội sống".Chân dung người lính quả cảm chiến đấu và hy sinh ngoan cường được tái hiện rất sống động qua những câu thơ: "Tay Hùng còn vung lựu đạn ngang trời/ Khẩu tiểu liên vẫn choàng trước ngực/ Vành mũ lá sen còn trong lửa táp/ Nhìn nụ cười mình biết Hùng vui".
Cây trầm cháy, hương còn thơm mãi
Trong cuộc chiến sinh tử bảo vệ quê hương, tinh thần chiến đấu quả cảm ngoan cường của người chiến sĩ được người viết tạc lại bằng ngôn ngữ thơ rất sống động. Người bạn thân chiến sĩ tay vung lựu đạn ngang trời, trút hờn căm lên đầu lũ giặc trong tư thế tiểu liên vẫn choàng trước ngực và"Vành mũ lá sen còn trong lửa táp" cùng nụ cười đọng trên môi giữa khói lửa thể hiện những cảm xúc chân thực gây xúc động lòng người. Nỗi đau thương vừa chôn cất bạn thân giờ đây lắng lại, nhà thơ nhận rõ ý nghĩa cao đẹp của sự hy sinh ấy: "Chết - Hi sinh cho Tổ quốcHùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hi sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng". Cảm xúc như sóng cuộn cứ duềnh lên từng đợt khiến tác giả không thể không gọi tên Hùng, không phải một mà tới 21 lần trong toàn bài. Người chiến sĩ tên Hùng và bao đồng đội khác ngã xuống không hề vô ích. Hơn ai hết, tác khẳng định: "Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ/ Thành bàn tay chỉ hướng quân thù". Anh em đơn vị tạm biệt và cũng là vĩnh biệt bạn để tiếp tục lên đường: "Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm". Lời thơ như những tiếng nấc nghẹn, cũng là lời nguyện hứa: mình và những người còn sống nhất định bắt quân thù phải đền tội ác.
Bài thơ có hai hình ảnh xuất hiện sóng đôi: nấm mộ biểu tượng hy sinh của người chiến sĩ; cây trầm biểu tượng cho nỗi đau thương và niềm tri ân của người ở lại. Hai hình ảnh có ý nghĩa tương đồng, bổ sung cho nhau cùng lên án, tố cáo chiến tranh. Cây trầm còn là biểu trưng cho cuộc đời người chiến sĩ: dù có bị đốt cháy, mùi thơm của trầm vẫn lan tỏa mãi: "Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm/ Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị/ Thân hi sinh thơm đất, thơm trời". Có hy sinh mất mát của bao cá nhân, gia đình, đất nước ta mới được độc lập và thống nhất như ngày nay.
Với những giá trị nhiều mặt, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu được tặng giải A của Hội Nhà văn và Bộ Thương binh xã hội. Đây quả là bông hoa thắm sắc ngát hương trong khu vườn thơ ca cách mạng. Thi phẩm giúp ta hiểu thêm sâu sắc về cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của người chiến sĩ, thêm một lần nữa làm sáng thêm đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc. Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và những ai cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do và sự phát triển của đất nước.
Nguyễn Đức Mậu
NẤM MỘ VÀ CÂY TRẦM
I. Tưởng nhớ
Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm.
Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung.
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu.
Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?
Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi
Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa
Những lá thư Hùng chưa kịp đọc mình nghe
Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở
Vết máu đỏ nhòa đi không rõ chữ
Mình đọc, bao điều xúc động sâu xa.
II. Hy sinh
Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù
Nhận cái chết cho đồng đội sống
Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng
Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười.
Tay Hùng còn vung lựu đạn ngang trời
Khẩu tiểu liên vẫn choàng trước ngực
Vành mũ lá sen còn trong lửa táp
Nhìn nụ cười mình biết Hùng vui.
"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.
Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa.
Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm trời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù.
III. Ra đi
Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm.
Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta.
Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Hùng ơi!…
Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé: Hãy yên nằm.
Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hi sinh thơm đất, thơm trời.
Mặt trận miền Tây mùa đông 1969
Nguồn: Cây xanh đất lửa (1973).
Nguyễn Thị Thiện